TIN THỦY SẢN

VASEP kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu hải sản

Xuất khẩu thủy sản trong quý I/2024 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái Sáu Nghệ

Ngày 08/4/2024, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe thừa ủy quyền Chủ tịch Hiệp hội ký Công văn số 44 /CV-VASEP gửi tới Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan, báo cáo tình hình xuất khẩu quý I/2024 và kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc cho xuất khẩu hải sản.

Tình hình xuất khẩu quý I/2024

Xuất khẩu thủy sản trong quý I/2024 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD; sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ; sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng 15%. 

Xuất khẩu sang Mỹ: Tôm tăng 15%; cá ngừ, cá tra và cua ghẹ tăng từ 13-53%. Giá trung bình cá tra hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm ngoái, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.

 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR19 là 0,18 USD/kg đối với 5 công ty, thấp hơn đáng kể so với những POR trước đó. Trong tháng 3/2024, DOC Hoa Kỳ công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn so với 2 nước còn lại.

Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu giảm cá tra và các loại cá biển, trong khi tôm tăng trên 30%. Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua bứt phá mạnh mẽ: Tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với QI/2023. Riêng tôm chân trắng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Ảnh: Globalseafood.org

Thị trường EU và Hàn Quốc chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra, nhưng cá ngừ sang EU tăng 27%, Hàn Quốc tăng 15%. Nhìn chung, cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: Mỹ - thị trường lớn nhất tăng 30%, Nhật Bản tăng 9%.

Trong quý I/2024, có 2 thị trường chính giảm kim ngạch: Khối CPTPP chỉ đạt 30,527 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ và Hàn Quốc chỉ đạt 135,536 triệu USD, giảm 2%.

Vướng mắc kiến nghị tháo gỡ

Trong quý I/2024, còn nhiều tàu cá tại các tỉnh thiếu giấy về đảm bảo an toàn thực phẩm (chứng nhận với tàu trên 15m, và cam kết với tàu dưới 15m) theo quy định tại Thông tư 38/2018 và 17/2018 của Bộ NNPTNT (đã có hiệu lực 5 năm). Một số cảng cá cũng không có hoặc chậm triển khai chứng nhận ATTP.

Hiện trạng & bất cập kể trên khiến nhiều lô hàng hải sản khai thác mà doanh nghiệp thu mua trong thời gian qua không đủ điều kiện được tiếp nhận-thẩm định và cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Toàn bộ nguyên liệu mà doanh nghiệp thu mua từ các tàu thiếu cam kết, thiếu chứng nhận ATTP, các cảng thiếu chứng nhận ATTP hiện không thể xuất khẩu sang EU. Hiện trạng trên sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu hải sản sang EU khi nguồn hải sản khai thác bị thu hẹp đáng kể vì không đủ điều kiện để cấp H/C. 

Cho nên, VASEP kiến nghị với Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo tới các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các quy định về thẩm định-chứng nhận điều kiện ATTP tàu cá, cảng cá, chợ cá…(theo TT38/2018) và cam kết ATTP cho tàu cá dưới 15m theo TT 17/2018.

Vướng mắc về giấy chứng nhận ATTP (H/C) của một số quốc gia đã có thỏa thuận với EC, kèm lô nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam, nếu chưa đúng & đủ các nội dung như trong mẫu H/C tại “chương 28” quy định của EC mà Bộ NN&PTNT đã ban hành tại QĐ 5523 ngày 21/12/2023, thì lô hàng sản xuất từ nguyên liệu này để xuất khẩu đi EU không được xem xét để cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU.

Hiện trạng là một số quốc gia như New Zealand, Mỹ - đã có thỏa thuận riêng với EU về vấn đề kiểm soát ATTP và xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và thủy sản giữa 2 bên. New Zealand (NZ) và EU có riêng quyết định 97/132/EC về thỏa thuận song phương, bao gồm trong đó cả mẫu H/C.

Tháng 5/2022, NZ có văn bản gửi cho Bộ NN&PTNT về việc này. Lô hàng thủy sản NZ xuất khẩu sang EU, sử dụng & kèm theo giấy H/C thỏa thuận trên. Trước năm 2024, rất nhiều lô nguyên liệu thủy sản xuất khẩu sang Việt Nam cũng dùng mẫu H/C kể trên, và thành phẩm sản xuất từ những lô nguyên liệu này đều đã được các đơn vị của cục NAFIQPM/Bộ NN&PTNT thẩm định, cấp H/C xuất khẩu vào EU. Hiện tại, vẫn các lô hàng như trên từ NZ thì không được xem xét để thẩm định cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU nữa. Việc này khiến các doanh nghiệp có nhập khẩu từ các nguồn này gặp rất nhiều khó khăn.

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, trên cơ sở công nhận, thừa nhận lẫn nhau và thực tiễn của vấn đề, chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có Thỏa thuận với EU. Xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày QĐ 5523 có hiệu lực.

TàuCác doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc để tăng kim ngạch xuất khẩu

Vướng mắc về nội dung giấy chứng nhận khai thác (C/C) xuất khẩu sang Nhật bản đang có nhiều yêu cầu hơn so với yêu cầu của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m). Theo quy định của Nhật Bản, mẫu C/C lô hàng xuất khẩu vào Nhật không yêu cầu khai báo các thông tin sau đối với tàu nhỏ không cần định vị: vùng khai thác (FAO), thời gian khai thác. Trong khi mẫu C/C hiện hành của Việt Nam vẫn quy định khai báo các thông tin này.

Bên cạnh là vướng mắc về giấy chứng nhận khai thác (C/C) kèm lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, không đủ thông tin theo quy định của Bộ NN&PTNT, nên không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận Cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước thứ 3 (ví dụ Philippine) và tái xuất đi Nhật Bản. Philipine cấp giấy chứng nhận khai thác (C/C) cho lô nguyên liệu này khai thác từ tàu cá nhỏ theo quy định và được Nhật Bản chấp thuận (Giấy C/C không có ngày khai thác và không có thời gian khai thác).

Tuy nhiên, doanh nghiệp dùng C/C kể trên để làm thủ tục đề nghị cấp Giấy xác nhận cam kết (Processing Statement) tại cơ quan của Cục NAFIQPM (Bộ NN&PTNT) để xuất thành phẩm vào Nhật Bản, thì không được chấp thuận vì giấy C/C trên không đủ thông tin theo quy định Việt Nam. Do đó, lô hàng không được cấp Giấy xác nhận cam kết để xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Nên VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh phù hợp quy định giấy C/C đối với thị trường Nhật Bản theo như quy định của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).

Vướng mắc về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, nhiều trường hợp, kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, việc cấp S/C sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2-3 tháng, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. 

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận Nguyên liệu S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU. 

Sáu Nghệ