TIN THỦY SẢN

Về Gò Công ăn mắm tôm chà

Thịt ba rọi luộc chấm mắm tôm chà. đức nguyễn

Người ta gọi mắm tôm chà Gò Công - Tiền Giang là món “Hoàng gia” bởi từ gần hai trăm năm trước đây là một trong những sản vật được tiến vua.

Người dân xứ Gò Công chọn tôm đất có nhiều gạch son làm nguyên liệu chế biến. Tôm được làm sạch rồi ướp gia vị, cho vào cối quết nhuyễn. Người ta cẩn thận cho tôm giã nhuyễn vào rổ và chà mạnh để vỏ tôm tách khỏi thịt. Sau đó, phơi nắng tôm 10-15 ngày cho “chín”.

Những người khó tính thường chọn thời điểm nước ròng mới cho tôm vào hũ hoặc keo. Vì họ quan niệm lúc đó, không khí “sạch” nhất thì mắm mới ngon. Món ăn khi được dâng lên vua, vua khen đáo để. Từ đó, cứ đến mùa tôm gạch đỏ, người ta lại bắt tôm về làm mắm để tiến vua.

Gạch tôm hòa quyện vào thịt tôm chín tạo nên màu đỏ son. Cho tỏi băm nhuyễn, vắt thêm chanh và nêm một ít gia vị cho vừa miệng, mắm tôm lại chuyển sang màu hồng tự nhiên hấp dẫn như đôi gò má cô thôn nữ thẹn thùng. Người ta mua mắm tôm chà về ăn với thịt ba rọi luộc cuốn với rau sống và bún tươi. Lúc nhà không còn gì ăn, chỉ cần một chén cơm trắng nóng hổi chan mắm tôm chà vào ăn thì ngon quá cỡ!

Mắm tôm chà hiện đã có mặt ở nhiều nơi. Một số người ở nơi khác cũng học cách làm này về chế biến nhưng chất lượng không sao sánh bằng mắm tôm chà Gò Công. Người sành ăn thường tìm đến tận Gò Công mua mắm tôm chà để quanh năm suốt tháng trong nhà phòng để thay đổi khẩu vị hoặc thết đãi khách quý.

đức nguyễn Cần Thơ Online