Về nơi thuần hóa 'cá thần'- Linh hồn của sông Chảy
Nhắc tới “cá thần”, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những câu chuyện được lưu truyền ở vùng đất Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Nhưng có một vùng đất ở thượng nguồn sông Chảy, loài cá ấy được người dân thuần hóa, nuôi làm cảnh.
Có những gia đình nuôi hàng chục năm, nhiều vị khách phương xa đòi mua với giá bạc triệu nhưng đều bị khước từ…
Linh hồn của sông Chảy
Nhớ về Tây Bắc xa xôi, ta sẽ không thể bỏ qua những dòng sông hùng vĩ lúc êm đềm như lời mẹ ru, lúc lại ầm ầm như sóng biển. Dòng sông Chảy, từ đỉnh Tây Côn Lĩnh - nóc nhà của vùng Đông Bắc, vượt núi cao, tuôn dòng nước mát lành đổ về mảnh đất Lào Cai.
Nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh là huyện Si Ma Cai của Lào Cai. Chính nơi ấy, người ta thường gọi bằng một cái tên rất thơ là “Vòm nhô sông Chảy”. Từ đây, dòng sông Chảy trở nên hiền hòa, êm đềm như một nàng thơ. Sông uốn lượn, chảy qua vùng đất thơm mùi quế Bắc Hà rồi xuôi về huyện Bảo Yên (Lào Cai). Những giọt nước cuối cùng của sông chảy hòa mình tại ngã ba sông Lô của Phú Thọ ra sông Hồng rồi tới cửa biển.
Ở đó, có một loài cá mang tên “bỗng”, bao đời nay được người dân tin rằng, đó là linh hồn của sông Chảy. Dù cho bây giờ, số lượng của loài cá này không còn được nhiều như xưa.
Có dịp về huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai công tác, tôi được mấy cán bộ Phòng NN-PTNT kể về loài cá này. Nào, đây chính là loại “cá thần” ở Thanh Hóa, chuyện nuôi cá cả chục năm chỉ được vài cân, nhiều người trả tiền triệu một con không bán… Càng nghe càng thấy tò mò!
Vượt hơn 20 cây số từ trung tâm huyện, chúng tôi đến xã Lương Sơn. Đây là nơi có khá nhiều hộ đang nuôi loài cá bỗng. Người chúng tôi tìm gặp là ông Hoàng Trung Sứ ở thôn Phia 1, xã Lương Sơn.
Ông Sứ nhớ lại, những năm 1971-1972 gì đó, ngày ấy cuộc sống còn gian khổ, phải làm mọi thứ, cốt để ấm cái bụng. Nhiều gia đình tự chế dụng cụ rồi thì lưới, bủa ra sông sông Chảy bắt cá. Thấy giống cá bỗng hay hay, ông thả vài con xuống ao rồi từ đó quên bẵng đi.
Vài năm sau, dưới ao nhà, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài con con cá lưng màu rêu xanh thẫm, vây, mõm cá màu đỏ nhạt, vảy ánh bạc giống loài cá rồng cảnh, trông thật kỳ lạ. Ông Sứ bảo, tôi chưa đến Thanh Hóa, nhưng xem trên tivi thì thấy giống cá này rất giống với “cá thần” ở trong đó…
Ông Phạm Hồng Điều, cùng thôn Phia 1 cho biết, quê gốc gia đình ông vốn ở vùng biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nay xa quê cũng mấy chục năm. Vốn là dân chài lưới, quen với mặn mòi nắng gió, khi lên vùng đất Tây Bắc lập nghiệp, ông vẫn khôn nguôi nhớ quê hương.
Cũng như bao người dân nơi đây, một phần gia đình ông Điều cũng dựa vào sông Chảy. Kể chuyện về loài cá bỗng, ông Điều bảo, nó với loài “cá thần” được sùng bái ở Thanh Hóa chẳng qua là một. Từ ăn tới chơi, năm 2005, ông bắt đầu đem giống cá này về ao nhà để nuôi.
Cận cảnh loài cá bỗng ven sông Chảy
Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, ông Hoàng Văn Thìn kể, từ nhỏ đã thấy bố mẹ, ông bà mưu sinh trên dòng sông Chảy. Xưa loài cá bỗng nhiều lắm, người dân đánh bắt để làm thực phẩm. Sau dần, thấy loài cá này đẹp thì đem về nuôi. Ngặt nỗi, loài cá bỗng vô cùng chậm lớn, phàm ăn nhưng nuôi cả chục năm chỉ đạt vài cân. Nhiều gia đình nuôi chỉ để làm cảnh, nhất quyết không bán dù được trả giá cao ngất ngưởng.
Thuần hóa “cá thần”
Ngoài những con cá bỗng lâu năm được nuôi làm cảnh, một số hộ gia đình ở đây cũng đã nghĩ tới việc nhân giống, nuôi phát triển kinh tế. Khó khăn lớn nhất khi nuôi loài cá này là nguồn giống. Cá bỗng giống vốn được người dân vợt từ sông Chảy mang về nuôi. Thậm chí có một thời, những nhà gần sông, dẫn nước trực tiếp hứng trứng, cá giống về nuôi thành công. Ấy vậy, khi cả đàn cá trong ao đến mùa sinh sản, kết trứng lồ lộ, bám đầy rễ bèo nhưng gần như không xuất hiện cá con. Ông Sứ bảo, không hiểu do nguồn nước hay vì sao mà cá bỗng trong ao nuôi không thể tự nhân giống.
Ông Sứ đang tính sẽ đầu tư hệ thống ương nuôi cá bỗng giống, cung cấp cho bà con chăn nuôi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. “Vốn liếng” để sản xuất cá giống trong tay ông hiện giờ còn khoảng gần 50 con cá nặng từ 6-8 kg. Nhưng nếu cứ nuôi trong ao, cho cá sinh sản tự nhiên sẽ đổ bể.
Cá bỗng phàm ăn, dễ nuôi, “xơi” sạch từ ngô khoai sắn cho tới các loại có. Nhưng ăn nhiều có lớn chẳng bao nhiêu. Có những con cá nuôi cả chục năm, khi bắt lên cũng chỉ nặng 5 kg. Minh chứng là năm 2008, ông Điều thả thêm 160 con cá bỗng giống. Sau gần 10 năm, trọng lượng con nặng nhất cũng chỉ được 4kg. Theo ông Điều thì thịt cá bỗng ăn rất ngon, không có xương răm. Đặc biệt, đây là loài cá có sức đề kháng rất tốt, rất ít bị bệnh, ăn tạp nên dễ nuôi.
Bí quyết ao nuôi loài cá này là nước phải sạch, chảy tuần hoàn
Chính vì tập tính sinh trưởng “dị” như vậy nên hiện nay, từ thú chơi một thời, nay cá bỗng đang được định giá cao ngất ngưởng. Ông Sứ kể, nhiều năm trước, trong ao lúc nào cũng có cả trăm con cá bỗng cảnh, nom đến vui mắt. Nhưng sau, vì kinh tế gia đình khó khăn nên đành bán bớt để trang trải.
“Hôm vừa rồi có người ở thành phố Lào Cai về tận nhà mua 3 con cá. Tiếc lắm, nhưng vì nể họ cất công từ xa đến, lại chỗ người quen giới thiệu, tôi bán 3 con có tổng trọng lượng 14 kg, với giá 600 nghìn đồng/kg, tính ra cũng được hơn 8 triệu đồng”, ông Sứ nói đầy vẻ tiếc nuối.
Với 3 ao cá tổng diện tích mặt nước hơn 500 mét vuông, gia đình ông Điều hiện cũng có hơn trăm con cá bỗng trọng lượng từ 1,5-3 kg với ý định phát triển kinh tế. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi loài “cá thần” này, ông Điều bảo, yêu cầu duy nhất để nuôi loài cá này đó là ao nuôi phải có nguồn nước tuần hoàn và nước phải trong.
“Rất nhiều khách về hỏi mua các những tôi cũng chỉ bán hạn chế vì lo bán hết không còn nguồn sau nhân giống để nuôi. Hôm rồi có thương lái về hỏi mua với giá gần 400 nghìn đồng/kg với số lượng không hạn chế nhưng tôi từ chối”.
Giá cao ngất ngưởng, nhưng nhiều người đến hỏi mua vẫn bị chủ nhà từ chối
Nói về câu chuyện thuần hóa “cá thần” ven sông Chảy, ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên bảo, đây đúng là một loài cá rất “dị”. Bởi chúng có nguồn gốc độc đáo, dễ nuôi nhưng phải kỳ công, kiên nhẫn vì nuôi cả chục năm mới bằng các loài cá nước ngọt khác nuôi một hai năm.
Từ một thú chơi, nay người dân thuần hóa thành công là tín hiệu khả quan trong phát triển kinh tế. Hiện nhiều hộ gia đình ở các xã của huyện Bảo Yên đã và đang tích cực cải tạo diện tích ao đầm của gia đình, khoanh nuôi kết hợp với các giống cá khác để nhân rộng mô hình nuôi cá bỗng.
So với mặt bằng chung, hiện nay giá trị của con các bỗng rất cao, có khi gấp đôi các loài cá nước lạnh như cá hồi, các tầm. Nếu đầu tư nuôi bài bản thì cá bỗng rất có triển vọng làm giàu cho bà con. “Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là nguồn cá giống rất khan hiếm. Chúng tôi cũng đã tính đến việc nghiên cứu đầu tư nuôi ương cá giống, nhưng hiện tại chưa có kinh phí để triển khai. Hy vọng khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ góp phần giúp người dân mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập”.