TIN THỦY SẢN

Từ hóa thạch vỏ sò dưới biển sâu trở thành tuyệt tác nghệ thuật

Vỏ sò hóa thạch được vớt từ bãi đá ngầm dưới biển. Ảnh TN Thiên Hậu

Vỏ sò bị chôn vùi dưới đáy đại dương hàng trăm năm, trải qua quá trình biến đổi lâu dài nên hóa thạch, hóa ngọc quý giữa biển khơi, được ngư dân mang về và trở thành vật kỉ niệm quý giá.

Qua đôi bàn tay khéo léo của anh Võ Minh Toản (39 tuổi), ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), những vỏ sò có hình dạng đơn giản đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

“Thổi hồn” vào vỏ sò

Trong ngôi nhà riêng, anh Toản dành một góc sân làm xưởng gia công nhỏ, thỏa mãn niềm đam mê điêu khắc trên vỏ sỏ. Anh miệt mài, thả hồn vào từng đường nét để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nước theo mũi mài, bắn ra lớp vôi, tung tóe khắp nơi, lấm lem cả bộ trang phục cũ kỹ. “Nghề này bụi bặm, vất vả lắm! Để có một tác phẩm là quá trình kỳ công mà người thật sự say đắm với nghề mới kiên nhẫn ngồi liên tục, hứng bụi trong 10 ngày, nửa tháng, thậm chí vài tháng”, anh Toản cười nói.

Tác phẩm anh Toản đang thực hiện có tên gọi là “Di Lặc ngũ phúc”. Hình ảnh 5 tiểu đồng, tượng trưng cho Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh vui đùa xung quanh tượng Phật Di Lặc hiện lên sinh động trên vỏ sò, thể hiện ý muốn gia chủ về cuộc sống bình an, may mắn, hạnh phúc. Sau khi gia công, lớp vỏ sò trong suốt, có độ thấu quang cao, sáng bóng tinh túy. Khi sờ vào bức tượng Phật Di Lặc sẽ cảm nhận được sự mát lạnh ở lòng bàn tay như hơi mát đến từ biển khơi.

“Đây là vỏ sò một người dân mang đến, nhờ gia công để trưng bày trong nhà vào dịp Tết này. Phôi ban đầu nặng khoảng một tạ, sau khi chạm, khắc còn khoảng 50kg. Vỏ sò vốn dĩ đã có độ cứng, sáng nhất định. Sau quá trình hóa thạch, độ cứng, sáng càng tăng lên gấp bội”, anh Toản cho biết.

Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi ý tưởng và sự sáng tạo không ngừng của thợ làm nghề, cũng như sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ thủ công, qua từng công đoạn. Đầu tiên phải chú ý chọn phôi cho phù hợp với ý tưởng, làm sạch tạp chất. Sau đó, người thợ sẽ tiến hành phác họa và định hình ý tưởng. Tùy theo độ dày, mỏng trên phôi sò mà phá thô, làm nát nét, bố trí các chi tiết cho phù hợp. Một nguyên tắc là dù "thiên biến vạn hóa" nhưng vẫn phải cố gắng tận dụng tối ưu hình dạng tự nhiên của vỏ sò. Cuối cùng là tạo dáng, làm bừng sáng lên những chi tiết của tác phẩm.

“Nếu phá thô và làm nát nét không cẩn trọng thì tác phẩm không đạt được ý tưởng ban đầu, đôi lúc phải bỏ đi cả một phôi quý hiếm nhất. Cùng một vỏ sò nhưng qua mỗi bàn tay người thợ lại cho ra những sản phẩm có giá trị khác nhau, tùy thuộc vào trình độ cũng như năng khiếu của mỗi người”, anh Đinh Vạn Hiếu (27 tuổi), người thợ làm cùng anh Toản, chia sẻ. 


Tuyệt tác “Cửu long tranh châu” từ vỏ sò nghìn năm tuổi. Ảnh minh họa

Nghề “lấy công làm lời”

Anh Toản bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trên vỏ sò trong khoảng 6 năm trở lại đây, bắt nguồn niềm đam mê, sự tò mò và hiếu kỳ về các loại sò, ốc biển. Đến nay, anh có kinh nghiệm gia công cả trăm tác phẩm quý giá, hoàn toàn bằng thủ công như “Quan âm cưỡi rồng”, “Di Lặc ngồi gốc tùng”, “Cửu long tranh châu”, “Vinh quy bái tổ”, “Lân, Ly, Quy, Phụng”, “Đám cưới chuột”, “Mục đồng”, “Làng quê Việt Nam”…  Mỗi tác phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là ngư dân, những người có nhu cầu trang trí không gian sống, đam mê phong thủy...

Đằng sau mỗi tác phẩm là một câu chuyện đầy ý nghĩa về giá trị văn hóa của người phương Đông nói chung, quê hương, đất nước Việt Nam nói riêng.

Đôi lúc, điều làm anh Toản hạnh phúc nhất khi những tác phẩm do chính anh khắc, chạm nên lại mang đến giá trị tinh thần to lớn cho người sở hữu. Tác phẩm “Mã đáo thành công”, “Mục đồng” đang chế tác cho gia đình bà Phạm Thị Công (48 tuổi), ở xã Bình Châu (Bình Sơn) là một câu chuyện cảm động. 

“Vốn dĩ đây là cặp phôi sò được người chồng quá cố mang về sau chuyến đánh bắt hơn 10 năm trước và là kỷ vật vô giá mà chồng tôi đã để lại cho vợ con. Trải qua thời gian, vỏ sò có nhiều vị trí hư hỏng, mối mọt nhưng qua sự sáng tạo của anh Toản đã trở thành một sản phẩm trang trí có giá trị. Kỉ niệm với người đã khuất càng trở nên đặc biệt hơn”, chị Công chia sẻ.    

Nghề này mang lại giá trị kinh tế cao nhưng không phải thời điểm nào cũng có nguyên liệu để làm, do một số cá thể thuộc danh mục cấm khai thác. Các loại sò nhận gia công thường là những phôi sò đã chết, được ngư dân mang về với số lượng nhỏ, chủ yếu làm vật lưu niệm sau mỗi chuyến đánh bắt. Chính vì thế, anh Toản theo đuổi nghề cốt cũng để thỏa mãn niềm đam mê, lấy công làm lời, trân trọng hơn về những vẻ đẹp tưởng chừng vùi sâu vĩnh viễn ngoài biển cả. Những ai có cơ hội sở hữu càng thêm yêu những giá trị của biển đảo quê hương. 

Thiên Hậu Báo Quảng Ngãi