Vĩnh Hoàn: Chuyện phụ nữ Việt Nam thời hiện đại
Sự phát triển của thủy sản Việt Nam trong những năm qua có nhiều câu chuyện thần kỳ. Vĩnh Hoàn là một chuyện như thế. Thành lập năm 1997 với phương thức gia công thuê để XK, năm 1998 mới có cơ sở chế biến đầu tiên tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, nhưng chỉ sau mười năm, năm 2007, Vĩnh Hoàn đã trở thành công ty cổ phẩn niêm yết trên thị trường chứng khoán.
ừ đó tới nay các chỉ số hàng năm của Vĩnh Hoàn luôn tăng ở mức cao, riêng năm 2011 XK đạt 154 triệu USD tăng 17%, là DN có kim ngạch XK đầu ngành cá tra, doanh thu đạt trên 4.100 tỷ VNĐ, tăng 36% so với cùng kỳ. Nhờ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị kép kín và kiểm soát tốt chi phí, Vĩnh Hoàn đã vượt qua các cuộc khủng hoảng nguyên liệu, khủng hoảng về giá của ngành sản xuất cá tra, cũng như 2 cuộc khủng hoảng tài chính chung. Lợi nhuận sau thuế có năm tăng đến 84% so với năm trước.
Nhưng chỉ bằng mấy con số và vài dòng chữ không thể nói hết những thành tựu đáng khâm phục mà Vĩnh Hoàn đạt được. Để nhận ra những giá trị đã làm nên Vĩnh Hoàn hôm nay, nhân dịp 15 năm thành lập Vĩnh Hoàn (1997-2012), tôi muốn kể một câu chuyện về công ty này, nơi mà gần 100% đội ngũ quản lý là phụ nữ, với góc nhìn văn hóa và phong cách kinh doanh, mà cốt của nó là những giá trị đạo đức cùng với sự tận tâm, đầu óc tỉnh táo và tầm nhìn dài hạn.
Lễ đón nhận Huân Chương lao động hạng II của Cty CP Vĩnh Hoàn
Vào năm 2010, biết Vĩnh Hoàn đang nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra, tôi đã giới thiệu Công ty NBTY - một tập đoàn hàng đầu của Mỹ chuyện sản xuất thực phẩn chức năng, trong đó có sản phẩm collagen - với Vĩnh Hoàn. Sau nhiều lần trao đổi thư từ, một buổi ăn tối làm việc đã được bố trí. Làm xong nhiệm vụ giới thiệu hai bên, tôi ngồi quan sát cuộc nói chuyện giữa một bên là 6 chuyên gia – các nhà kinh tế đến từ nước Mỹ - những người đàn ông lớn tuổi và từng trải, rất rành rẽ về công nghệ và thị trường collagen, còn bên kia là 7 người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn của Vĩnh Hoàn, gồm TGĐ Trương Thị Lệ Khanh, Phó TGĐ Vi Tâm và 5 cán bộ kỹ thuật, thị trường, ngoại trừ TGĐ Lệ Khanh tất cả mới ở vào khoảng độ tuổi dưới 30. Cuộc trao đổi diễn ra bằng tiếng Anh và có cả tiếng Pháp. Thật ngạc nhiên về các cô gái nhỏ nhắn của Vĩnh Hoàn, họ nắm rất kỹ về vấn đề định đầu tư, rất chủ động hỏi và khai thác đối tác Mỹ. Đến mức sau đó Mr. Orland - một chuyên gia trong đoàn phụ trách công nghệ của NBTY đã nói với tôi: “Các cô gái này rất chuyên nghiệp và khôn ngoan”.
Không chỉ hiểu rõ về công nghệ, Vĩnh Hoàn còn theo đuổi chiến lược phát triển gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên về sinh thái, bảo toàn thiên nhiên và quản lý chất thải. Từ năm 2006 Vĩnh Hoàn đã đạt chứng nhận ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường. Và đến cuối năm 2012, dự án “Sản xuất collagen thủy phân và gelatin từ da cá tra” của Vĩnh Hoàn là một trong rất ít dự án được Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Ứng dựng công nghệ cao” với nhiều chế độ ưu đãi theo qui định của Chính phủ.
Năm 2011 tôi lại có dịp dẫn đoàn chuyên gia IT của dự án “Truy xuất nguồn gốc điện tử” do Đan Mạch tài trợ đi khảo sát chuỗi sản xuất cá tra để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các DN cá tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài tôi, tất cả các thành viên trong đoàn đều là dân kỹ thuật và công nghệ thông tin, hoàn toàn ngoại đạo với nghề thủy sản. Nhà máy tại Cao Lãnh, Đồng Tháp của Vĩnh Hoàn là điểm đến cuối cùng của chuyến đi. Ngay khi mới khi bước vào nhà máy, hầu như đồng loạt các bạn IT đều thốt lên: nhà máy sao giống công viên, sạch và đẹp quá! Giám đốc đi vắng tiếp đoàn là 4 cô gái trẻ đều là cán bộ quản lý nhà máy, người trẻ nhất là cô gái quản lý chất lượng vừa từ Văn phòng Sài Gòn xuống để tiếp đoàn. Tất cả các cán bộ IT đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết rất sâu và chắc chắn cùng với phong cách lịch sự nhưng chân tình của các cô gái Vĩnh Hoàn.
Đi thăm nhà máy mới thấy so với hồi mới thành lập Vĩnh Hoàn nay đã mở rộng ra rất nhiều. Diện tích nhà máy tăng gấp đôi, bến cá rộng lớn và thoáng đãng với 3 băng chuyên tiếp nhận cá cho 3 xí nghiệp chế biến chuyên xuất khẩu philê cá tra và các sản phẩm giá trị gia tăng. Xưởng chế biến số 1 được tổ chức qui củ với hàng ngàn công nhân đang chăm chú làm việc.
Cách cơ sở chế biến không xa là cơ sở của Công ty cổ phần Thức ăn Thủy sản (Vĩnh Hoàn 1) chuyên sản xuất thức ăn cho cá và các phụ phẩm bột cá, mỡ cá. Sản phẩm thức ăn của cơ sở sử dụng nguyên liệu bột cá sử dụng từ nguồn cá khai thác bằng phương thức bảo vệ nguồn lợi được chứng nhận của Hiệp hội Bột cá Thế giới.
Một cán bộ của đoàn đã từng làm ở phòng môi trường, khi vào nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá đã thốt lên: “Làm thế nào mà nhà máy phụ phẩm cá lại sạch thế, không có cả mùi nữa chứ! Mình đã đi khá nhiều cơ sở tương tự chưa tới nơi là đã nghe mùi đặc trưng bốc lên”. Vĩnh Hoàn có lẽ là một trong rất ít DN XK cá tra có chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi và chế biến XK, tất cả đều được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn vệ sinh và môi trường.
Buổi trưa chúng tôi được chủ nhà – các cô gái trẻ mời ăn cơm trong một phòng bài trí thanh nhã với những bình hoa tươi rất đẹp. Một bữa trưa với các món dân dã, không cầu kỳ nhưng thể hiện rõ sự chăm chút, chỉn chu của những người phụ nữ hiếu khách. Vĩnh Hoàn có những sản phẩm chế biến thật tinh tế, ví như món xôi tôm gói lá dứa đã trở thành món không thể thiếu trong đơn đặt hàng của nhiều khách hàng châu Âu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Cty CP Vinh Hoàn phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương LĐ hạng II và kỷ niệm 15 năm thành lập
Nhìn những sản phẩm của Vĩnh Hoàn tôi nhớ lại vào khoảng năm 2005, trong bữa tối tại nhà của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, những lãnh đạo Bộ Thủy sản đã được mời dùng những sản phẩm được chế biến tinh tế và khéo léo của Vĩnh Hoàn. Đại sứ đã không chỉ khen ngợi hết lời mà còn cho biết khi nào còn ở Việt Nam ông chủ trương sẽ chỉ dùng những sản phẩm chế biến thế này trong các cuộc chiêu đãi của Sứ quán Đan Mạch.
Năm 2009, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp châu Á đầu tiên đạt giải thưởng “Dinh dưỡng và sức khỏe” tại cuộc thi Seafood Prix D’Elite tại Hội chợ Thủy sản Quốc tế Brussel (ESE) tại Vương quốc Bỉ - hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới. Năm 2011, lần thứ 2 sản phẩm của Vĩnh Hoàn lại đoạt giải trong chuỗi giải thưởng Seafood Prix D’Elite của ESE 2011 nhưng lần này là giải thưởng lớn cho sản phẩm bán lẻ tốt nhất (Grand Prize Best New Retail Product Award).
Có dịp trò chuyện với các cán bộ và công nhân, chúng tôi biết rằng Vĩnh Hoàn rất chăm lo đời sống công nhân, ngoài tiền lương, công nhân ở xa được cấp nhà ở tập thể hoặc trợ cấp thuê nhà, được bữa ăn trưa đầy đủ dinh dưỡng trong các ngày làm việc, được chế độ thưởng khá tốt, cán bộ quản lý được cấp đất và cho mượn tiền để xây nhà. Năm 2010 khi Công ty đạt liên tiếp 2 năm mức thuế suất chống bán phá giá bằng 0%, từ công nhân đến các cán bộ quản lý, mọi người đều được thưởng. Công ty còn có quỹ cổ tức lớn để thưởng cho đội ngũ quản lý chủ chốt.
Một chuyện cần nhắc tới khi nói về Vĩnh Hoàn - đó là sự khôn ngoan với một chiến lược đúng đắn và một khả năng quản trị sắc sảo của cả đội ngũ của Vĩnh Hoàn trong vụ kiện bán phá giá tại Mỹ. Kết quả là sau nhiều năm đạt mức thuế suất chống phá giá thấp, ba năm liên tiếp 2008-2009- 2010 Vĩnh Hoàn chỉ đạt mức thuế bằng không, nhờ vậy có khả năng sẽ thoát hẳn ra khỏi vụ kiện. Đây là kết quả cực kỳ khó đạt nếu không muốn nói là không thể, với đa số DN không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Tôi còn nhớ khi vụ kiện mới khởi động, trong một sự kiện tại Los Angeles người của Bộ
Thương mại Mỹ đã bay từ DC sang gặp chúng tôi. Trong cuộc nói chuyện, người Mỹ cho biết: DN ở nhiều nước khi bị kiện chống phá giá đã bỏ hẳn thị trường Mỹ vì không có khả năng theo đuổi vụ kiện. Sau này chúng tôi biết thêm, Mỹ cho rằng DN Việt Nam không có đủ tiền để theo đuổi vụ kiện, nhưng không ngờ Việt Nam theo kiện tốt đến vậy.
Bằng việc theo đuổi rốt ráo vụ kiện với chi phí hàng triệu USD và đạt mức thuế suất thấp, Vĩnh Hoàn đã đóng góp không nhỏ vào việc kéo mức thuế suất bán phá giá chung của các DN Việt Nam xuống thấp, góp phần đưa cá tra trở lại thị trường Mỹ.
Thành công ngày hôm nay không thể không nhắc tới chị Trương Thị Lệ Khanh, người sáng lập, dẫn dắt và là linh hồn của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Chị là người đã vạch ra chiến lược và những sách lược có tính chất quyết định để đưa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vững vàng phát triển. Chị cũng là người có khả năng đặc biệt thu hút nhân sự giỏi về với công ty. Nhớ lại vào khoảng năm 1995-1996 tôi gặp chị Khanh trong một khóa đào tạo quản lý chất lượng của dự án SEAQIP do Đan Mạch tài trợ. Một cố gái nhỏ nhắn nhưng rất thu hút ở tinh thần hiếu học và sự phản biện qua các câu hỏi với giảng viên.
Ngày nay, khi đã ở trong hàng “đại gia”, chị vẫn giản dị như vậy, vẫn là con người của công việc với một tâm nhìn xuyên suốt và sự tinh anh, sắc bén. Vẫn là sự quan tâm tới cộng đồng ẩn sâu bên trong là một tấm lòng nhân hậu, thấm nhuần đạo lý nhân quả.
Và từ cá tra, bằng tấm lòng và khối óc của chị, Tập đoàn Vĩnh Hoàn với 6 công ty thành viên đã mở sang lĩnh vực hoạt động mới: lương thực và sản phẩm công nghệ cao từ phụ phẩm, đã và đang sáng tạo thêm một câu chuyện thần kỳ của ngành thủy sản Việt Nam.
Với một đội ngũ gắn bó và thấm nhuần văn hóa kinh doanh “lấy chữ tín làm đầu”, trân trọng con người và trách nhiệm cao với xã hội, Vĩnh Hoàn đang vững vàng đi trên con đường phát triển bền vững, con đường đi về phía mặt trời.