TIN THỦY SẢN

Vụ nuôi tôm sú 2012, từ tiếng nói của người trong cuộc.

Một góc ao nuôi tôm của người dân xã Mỹ Long Nam

Mùa vụ nuôi tôm sú 2012, giống như một số địa phương khác trong huyện, các hộ nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam cũng không tránh khỏi cảnh điêu đứng. Một mặt vì tình trạng dịch bệnh xảy ra làm tôm nuôi bị chết hàng loạt, mặt khác do giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá thành thu mua tôm năm nay quá thấp so với những năm trước đó.

Nhiều hộ nuôi bị thất bại cả hai, ba vụ sau khi thả; có những hộ sau khi chuẩn bị xong ao hồ, phải ngưng lại để chuyển sang hình thức phát triển kinh tế khác; nhưng cũng có một số hộ xử lý cầm chừng, chờ hết dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan chức năng tiếp tục canh tác.

Gặp Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Mạnh, một hội viên Chi hội CCB ấp Năm, xã Mỹ Long Nam tại khu vực ao nuôi tôm khi ánh mặt trời vừa khuất bóng. Giống như những người nuôi tôm khác, năm nay Chú và gia đình cũng đã trải qua những gây phút thấp thỏm, lo âu. Xung quanh khu vực ao tôm của Chú giờ chỉ còn lại lác đác một vài căn chồi sáng đèn và tiếng máy chạy quạt, hỏi ra mới biết, các ao nuôi kế bên, tôm đã bị thiệt hại nặng trong đợt dịch bệnh vừa qua, có nhiều người đã “quyết tâm” thả vụ hai, vụ ba nhưng vẫn tiếp tục thất bại, còn tôm của Chú mới thả khi UBND tỉnh công bố hết dịch bệnh và được khuyến cáo của cơ quan chức năng, đến nay tôm đã hơn 4 tháng tuổi. CCB Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Theo thông lệ hàng năm, sau Tết Nguyên đán (thậm chí trước đó) nhiều hộ nuôi tôm bắt đầu lịch thời vụ và năm nay cũng vậy, nhưng không ngờ dịch bệnh diễn ra và làm cho nhiều hộ nuôi trong khu vực lâm vào cảnh thiệt hại nặng”. Chú Mạnh cho biết tiếp: “Con tôm sú trong những năm gần đây đã góp phần làm cho đời sống của người dân và kinh tế xã Mỹ Long Nam phát triển đáng kể. Đúng là lợi nhuận từ con tôm sú rất cao, nhưng ngược lại, rủi ro cũng không ít, bởi để đạt được sự thành công, không phải chỉ yếu tố con người là đủ, mà đòi hỏi còn nhiều yếu tố khác như thời tiết, con giống, giá cả và kinh nghiệm. Năm nay, rất không may cho nhiều hộ nuôi tôm vì đã gặp phải tất cả những điều không thuận lợi đó, nhất là với những hộ mới lần đầu đầu tư vào phát triển nuôi tôm sú công nghiệp, rất tốn kém”. Nói đến đây, Chú kể cho tôi nghe một hồi dài tên của những hộ nuôi tôm trong khu vực bị thất bại. Cùng với các yếu tố thời tiết, con giống, dịch bệnh và thuốc xử lý thì tâm lý chủ quan, nóng vội của những người nuôi tôm cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng vì con tôm sú trong mùa vụ năm nay.

Quay trở lại với câu chuyện về phát triển mô hình nuôi tôm sú công nghiệp của gia đình cũng như đa phần người dân trong khu vực, CCB Nguyễn Văn Mạnh tâm sự: “Thời điểm khó khăn nhất là khoảng thời gian gần chục năm trước, khi đời sống người dân nơi đây nói chung còn nghèo khó, quanh năm chỉ với ruộng lúa và trồng màu nhỏ lẻ. Những năm gần đây nhờ các chính sách đầu tư, phát triển của Đảng, Nhà nước và nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sú công nghiệp mà đời sống của người dân Mỹ Long Nam phát triển vượt bậc. Nhiều hộ gia đình đã có cơ ngơi thật khang trang”. Nghe chú kể mà tôi chợt nhớ đến một bài viết đã được đăng trên Tạp chí Biên phòng cách đây không lâu có nhan đề “Nhà tôm, xe tôm và…vợ tôm” ở Cầu Ngang (Nghĩa là tất cả đều nhờ trúng tôm mà có tiền để xây nhà, mua xe và …cưới vợ). Điều đó cũng cho thấy, con tôm sú đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển, kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống ở huyện Cầu Ngang nói chung và xã Mỹ Long Nam nói riêng.

Bao nhiêu năm xã Mỹ Long Nam hình thành và phát triển mô hình nuôi tôm cũng là ngần ấy thời gian gia đình người CCB Nguyễn Văn Mạnh gắn bó với con tôm sú. Từ quy mô và số lượng nuôi ban đầu là nhỏ lẻ đến nay con giống thả nuôi hàng năm lên đến hàng trăm ngàn; từ lợi nhuận vài triệu đồng, nay mỗi năm tùy theo thời giá gia đình Chú có thể thu lợi gần hoặc hơn nửa tỷ đồng. Trong những năm gần đây, không chỉ nuôi trên đất nhà mà Chú còn mạnh dạn kết hợp nuôi cùng một số hộ khác, trong đó chú kiêm nhiệm luôn phần theo dõi, góp ý và xử lý về kỹ thuật, mà một số người gọi vui là “Những kỹ sư chân bùn” vì sự hiểu biết tích lũy từ chính kinh nghiệm của mình. Chú chia sẻ: “Cũng may là mấy năm đầu dù rất khó khăn nhưng năm nào nuôi cũng đạt, dù lợi nhuận lúc ấy chưa cao nhưng đó chính là cơ sở cho những vụ nối tiếp đến bây giờ”. Riêng vụ nuôi tôm sú năm nay xem như là một mùa vụ thất bại đối với các hộ nuôi tôm ở Cầu Ngang, con số gần 20 tỷ đồng mà tỉnh đã chi hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện đã nói lên điều đó. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Và đây sẽ là một bài học kinh nghiệm quý báu cho việc lựa chọn ngành nghề, đầu tư và mở rộng quy mô phát triển kinh tế của mỗi cá nhân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Một vụ mùa khép lại nhưng cũng sẽ có nhiều hướng tích cực được mở ra. Mong sao, những năm tiếp theo, nông dân huyện Cầu Ngang nói chung, sẽ có được những vụ mùa thắng lợi, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục góp phần xây dựng nông thôn mới và đưa đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội ở từng địa phương ngày càng giàu, đẹp và văn minh.

Trà Vinh Online