TIN THỦY SẢN

Vụ thủy sản mới, vẫn nỗi lo cũ

Người dân ở vùng nuôi tôm xã đức Phong (Mộ Đức) tập trung vệ sinh hồ để chuẩn bị thả giống trong vụ nuôi thủy sản 2021. Thanh Phong

Dù đã sẵn sàng, nhưng thời tiết diễn biến bất thường, cộng với dịch bệnh, thiếu con giống, khiến người nuôi thủy sản lo lắng khi bước vào vụ 2021...

“Vụ nuôi năm nay, tôi thả khoảng 1.000 con cá trê, điêu hồng, rô phi đơn tính. Tôi đã đặt mua cá giống tại Trung tâm Giống Quảng Ngãi và được họ chuyển đến tận hồ, nên cũng thuận lợi”, ông Đinh Văn Trê, ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) cho biết. Quá trình nuôi, ông Trê được cán bộ của Trung tâm Giống Quảng Ngãi hướng dẫn cách vệ sinh ao hồ, kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng các chế phẩm vi sinh phòng ngừa dịch bệnh... Vì vậy, 3 ao nuôi với diện tích gần 2.000m2 mặt nước chưa từng phát sinh dịch bệnh, cá sinh trưởng tốt, góp phần mang lại thu nhập cho gia đình ông Trê gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Trong khi đó, người nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ ở các địa phương ven biển cũng đang khẩn trương làm mới, cải tạo ao hồ hoặc lồng bè, sẵn sàng bước vào mùa nuôi mới.

Cùng với người dân, các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống thủy sản hiện cũng đẩy mạnh công tác ươm nuôi, nhằm cung ứng con giống đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Như Trung tâm Giống Quảng Ngãi, kế hoạch năm 2021 sẽ cung ứng khoảng 5,8 triệu con giống thủy sản nước mặn, lợ, ngọt; trong đó, nhiều sản phẩm do Sở NN&PTNT đặt hàng. Vì vậy, thời điểm này, Trung tâm vừa tập trung ươm nuôi, vận chuyển con giống; vừa hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người dân.

Vụ thủy sản 2021, diện tích mặt nước thả nuôi trong tỉnh gần 1.600ha, sản lượng 8.500 tấn, nên nhu cầu con giống thủy sản nước mặn, lợ của người dân khá lớn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%. 

Như tại huyện Lý Sơn, mỗi năm người dân cần khoảng 200 nghìn con cá giống các loại (chủ yếu là cá mú, cá bớp, cá hồng Mỹ, cá dìa...), nhưng hiện chỉ có Trung tâm Giống Quảng Ngãi cung ứng 70 - 90 nghìn con giống, còn lại người dân phải mua con giống của các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh. “Trại Thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phong “lọt” giữa diện tích nuôi thủy sản thương phẩm của người dân, nên chi phí quản lý và kiểm soát dịch bệnh quá lớn, cộng với cơ sở hạ tầng xuống cấp. Vì vậy, lượng con giống thủy sản nước mặn, nước lợ hiện chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh”, Phó Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đào Tư Hiền lý giải.

Để “tiếp sức” người nuôi thủy sản, các ngành chức năng đã phổ biến lịch thời vụ đến người nuôi thủy sản trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và quản lý; khuyến cáo người dân nuôi thủy sản theo quy hoạch, cũng như chấp hành nghiêm lịch thời vụ, mật độ thả nuôi phù hợp; thực hiện việc đăng ký kê khai ban đầu, ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ đối với mỗi đợt sản xuất... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, cung ứng giống thủy sản nhằm đảm bảo cung ứng con giống chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và đã được kiểm dịch. 

“Về lâu dài, cần đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi nước mặn, nước lợ trọng điểm. Đối với nuôi nước ngọt, sẽ tăng cường công tác sản xuất các loại giống thủy sản truyền thống và có giá trị cao, nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông cho biết.

Thanh Phong Báo Quãng Ngãi