TIN THỦY SẢN

Vựa thủy sản 'khát' nước sản xuất

Một trang trại nuôi trồng thủy sản tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Thái Hiền Minh Phú

Sản xuất nông nghiệp ở huyện Ứng Hòa hiện phụ thuộc nguồn nước sông Nhuệ và sông Đáy. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do nước sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng nên hàng nghìn hộ nông dân đã gặp khó khăn trong sản xuất, nhất là ở 'vựa' nuôi trồng thủy sản thuộc xã Phương Tú.

Bí thư Đảng ủy xã Phương Tú Nguyễn Văn Xá cho hay, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của xã với 218ha và khoảng 200 hộ nuôi. Với sản lượng đạt 12 tấn/ha, ước tính mỗi héc ta nuôi trồng thủy sản cho thu nhập 260 triệu đồng/năm. Hằng năm, nuôi trồng thủy sản đã đóng góp tới 60% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Tuy vậy, những năm gần đây do nước sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng nên không thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi nguồn nước sông Đáy lại xa, các trạm bơm chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân nên việc nuôi trồng thủy sản của người dân gặp nhiều khó khăn...

Là một trong những hộ nuôi thủy sản ở xóm Chùa (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú), ông Lê Văn Công cho biết: "Gia đình nuôi trồng thủy sản đã 20 năm. Với diện tích mặt nước 3.600m2, ao nuôi các loại cá: trắm, chép, trôi, mè… và cho thu hoạch 2 lứa mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, do nguồn nước ô nhiễm nên cá thường xuyên bị bệnh, trong khi nguồn nước sạch thiếu trầm trọng". Để khắc phục, theo ông Lê Văn Công, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú phải dùng thuốc để xử lý nước; lắp đặt máy sục khí, bồn vi sinh để tăng lượng ô xy trong nước... khiến chi phí tăng cao. Ông Công tính toán, chi phí mỗi năm cho việc này là khoảng 5 triệu đồng, cộng với giá cả thủy sản bấp bênh nên khó có lãi...

Dù đã làm đủ mọi cách để khắc phục nhưng những nông dân ở Phương Tú vẫn thấp thỏm, lo âu vì tình trạng thủy sản chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Điển hình là tháng 4-2017, hộ ông Lê Văn Mật ở thôn Ngọc Động đã bị thiệt hại nặng do 2 tấn cá sắp đến ngày thu hoạch bỗng nhiên chết nổi trắng mặt nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, hiện nay nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu lấy từ sông Nhuệ. Tuy nhiên, do con sông này phải tiếp nhận một lượng nước thải không nhỏ từ nội thành chưa qua xử lý khiến nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, Ứng Hòa là huyện cuối nguồn nên nồng độ ô nhiễm càng đậm đặc. UBND huyện đã khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản không nên lấy nguồn nước này để sản xuất, nhưng để đáp ứng nhu cầu người dân vẫn phải tìm cách xử lý nguồn nước để sử dụng. Đáng lo ngại là hầu hết cách xử lý của người dân không triệt để vì mới dừng ở các biện pháp đơn giản, thô sơ như: Lắp đặt hệ thống sục, bể lọc...

Trước tình hình trên, thời gian vừa qua, huyện Ứng Hòa đã đưa nước từ sông Đáy về xã Phương Tú qua Trạm bơm Thái Bình để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đầu năm 2017, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để nạo vét kênh mương thủy lợi; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các hộ nuôi thủy sản mua chế phẩm xử lý nguồn nước... Dù vậy, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, huyện Ứng Hòa mong muốn được hỗ trợ đầu tư hệ thống dẫn nước từ sông Đáy về địa phương nhằm đáp ứng sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, ổn định; đồng thời bảo đảm sức khỏe, đời sống nhân dân xã Phương Tú nói riêng và vùng nông nghiệp phía Nam Thủ đô Hà Nội nói chung...

Minh Phú Báo Hà Nội Mới