TIN THỦY SẢN

Vượt qua khô hạn, nông dân bắt tay vào sản xuất

Ngành chức năng đang tăng cường hướng dẫn lịch thời vụ cho người dân để có được vụ nuôi hiệu quả trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay. Bài và ảnh: Nguyễn Phú

Tháng 5 vừa qua có lẽ là tháng đỉnh điểm của những khó khăn trong sản xuất cũng như đời sống của người dân Cà Mau. Ðây là tháng gần như hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh đều đình trệ, phải đợi "nước trời", nhất là các huyện vùng ngọt.

Hàng ngàn héc-ta tôm công nghiệp phải treo đầm, hàng chục ngàn héc-ta tôm quảng canh phải bỏ không, đất lúa chịu cảnh nứt nẻ, hệ thống kinh mương, ao cá phơi đáy... tạo nên bức tranh nông nghiệp ảm đạm của tháng 5 vừa qua. Hạn hán, xâm mặn đã làm cho toàn tỉnh có hơn 5.000 hộ tại 6 huyện và TP Cà Mau thiếu lương thực. Nhiều công trình giao thông bị phá huỷ do sụp lún là thực trạng nhiều người không ngờ đến.

Tháng khó khăn đỉnh điểm

Hằng năm, vụ tôm sau Tết Nguyên đán được xem là vụ chính của vùng tôm - lúa huyện Thới Bình. Do đây là khoảng thời gian hội tụ đầy đủ yếu tố thiên thời - địa lợi, độ mặn thích hợp (hằng năm chỉ khoảng 20-25%o), đầm tôm vừa được hạn chế dịch bệnh, tăng thức ăn tự nhiên do đã canh tác lúa. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của người dân nơi đây kể từ đầu năm đến nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi lúa không cho thu hoạch, tôm thì thiệt hại liên tục.

Chỉ tính riêng cây lúa, toàn huyện phải chi trên 37,58 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị thiệt hại khôi phục lại sản xuất. Còn con tôm cũng không khá hơn khi chết liên tục do độ mặn tăng quá cao vì nắng hạn. Nói về tình hình sản xuất tôm và cả lúa trong vụ mùa vừa qua, bà Lê Thị Mây, ấp Kinh 8, xã Tân Bằng, chỉ biết thở dài buồn chán: “Thả đợt nào chết đợt đó, vụ lúa cũng chỉ thu hoạch được vài bao. Từ đầu năm đến nay hơn 1 ha đất gần như không có thu hoạch gì”.

Trên vùng sản xuất của địa bàn huyện Cái Nước, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện, đánh giá, tháng 5 là tháng đỉnh điểm của khó khăn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm. Gần như tất cả các mặt công tác, nhất là trên lĩnh vực kinh tế đều chựng lại. Tôm quảng canh và quảng canh cải tiến chỉ thả nuôi khoảng 30% diện tích. Từ đó khiến sản lượng tôm thu hoạch trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước giảm đến 70%. Hầu hết diện tích nuôi tôm, kể cả tôm công nghiệp, người dân không thể thả được giống, nếu có thả cũng không đạt hiệu quả.

Trên địa bàn huyện Phú Tân, tình hình nắng hạn gay gắt trong tháng 5 gây thiệt hại nặng nề cho diện tích tôm nuôi công nghiệp. Theo kết quả thống kê của UBND huyện Phú Tân, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện hiện có 2.378 ha, thế nhưng số thả giống trong tháng 5 chỉ được khoảng 766 ha. Như vậy, trên địa bàn huyện còn khoảng 1.600 ha ao tôm công nghiệp người dân treo đầm. Trong số này, người dân chuyển sang thả nuôi các loại khác khoảng 100 ha. Không chỉ vậy, theo kết quả điều tra ban đầu, toàn huyện có đến 19.600/25.000 ha tôm quảng canh của người dân bị thiệt hại với nhiều mức độ khác nhau.

Không riêng người dân ở các huyện Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời hay U Minh mà nắng hạn đã làm cho hoạt động sản xuất trong toàn tỉnh gần như đình trệ. Hơn 5.000 hộ dân thiếu lương thực, trên 14.000 hộ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt... Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay, trên 53.000 ha tôm quảng canh bị thiệt hại, tỉnh phải công bố thiên tai trên lĩnh vực thuỷ sản mức độ 2.

Bám sát địa bàn giúp dân phục hồi sản xuất

Mặc dù bước qua những ngày đầu tháng 6 này đã xuất hiện nhiều cơn mưa, tình hình sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, theo nhận định, khó khăn từ thời tiết vẫn còn đang tiếp diễn. Ðể giúp người dân khôi phục lại sản xuất, ông Nguyễn Văn Tranh cho biết, sở đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm, quản lý và cảnh báo đến khi nào môi trường ổn định mới tiến hành thả giống.

Ngoài ra, trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là người dân đang tiến hành xuống giống vụ hè thu, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ các địa phương quản lý dịch bệnh, cỏ dại và chim chuột phá hại trên các thửa lúa sạ khô.

Tình trạng nắng hạn kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp trên con tôm hay cây lúa, nó còn được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến vụ lúa trên đất nuôi tôm do mặn ngấm sâu vào đất, khó rửa trôi.

Ðể giúp người dân khôi phục lại sản xuất, ông Phạm Phúc Giang cho biết, huyện đã vận động người dân tiến hành cải tạo ao đầm, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để kịp thời thả giống theo lịch thời vụ đã được khuyến cáo. Ðồng thời, hiện đang đẩy mạnh vận động người dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết tích nước mưa để rửa mặn, chuẩn bị nguồn giống cho vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra sát môi trường nước, tuỳ theo từng khu vực mà khuyến cáo thời điểm thả tôm thích hợp nhất.

Tuy khó khăn do nắng hạn đến thời điểm này được xem là đã qua, thế nhưng, đầu tháng 6, chỉ mới vào mùa mưa, lại xuất hiện lốc xoáy làm trên 300 căn nhà dân bị tốc mái và sập. Ðó như lời cảnh báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đặc biệt nhấn mạnh, các ngành, các cấp phải khẩn trương hướng dẫn người dân thật kỹ lịch thời vụ cũng như các giải pháp phát triển sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Ðồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai để hạn chế thiệt hại và bảo vệ đời sống người dân trong mùa mưa bão./.

Bài và ảnh: Nguyễn Phú Báo Cà Mau, 23/06/2016