Xã Phú Tân trên đường giảm nghèo bền vững
Xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) là địa bàn khó khăn, nơi nước biển xâm nhập sâu vào ruộng đồng, một năm chỉ canh tác một vụ lúa. Con tôm trên địa bàn xã Phú Tân góp phần thay đổi cuộc sống người dân, nhưng cũng có không ít hộ nuôi tôm bị thua lỗ, bán đất để rồi làm thuê trên chính mảnh đất của gia đình, nên câu chuyện giảm nghèo bền vững là bài toán khó của xã.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, trên địa bàn xã Phú Tân có 985 hộ dân, trong đó có 443 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2017, xã đã thoát nghèo được 101 hộ và phát sinh thêm 1 hộ nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã có 342 hộ nghèo, với 1.463 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ hơn 34% so tổng số hộ dân toàn xã) và 10 hộ cận nghèo, với 45 nhân khẩu.
Trước thực tế trên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có điều kiện tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể, xã Phú Tân đã và đang triển khai nhiều mô hình, dự án hỗ trợ các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống như Dự án nuôi dê sinh sản năm 2017, Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông” do tổ chức Liên minh Na Uy tài trợ, mô hình nuôi tôm… và đã phát huy hiệu quả tích cực.
Theo đó, để Dự án nuôi dê sinh sản năm 2017 phát huy hiệu quả, xã Phú Tân phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn kỹ thuật nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng và cách thức chọn dê nuôi cho các hộ dân tham gia. Qua đó, dự án đã giải ngân cho 29 hộ, với tổng số tiền vay 232 triệu đồng và đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Còn Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông” đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện tăng thêm thu nhập. Nằm trong 64 hộ dự kiến sẽ thoát nghèo trong năm 2018, gia đình bà Cao Thị Nguyệt (ngụ xã Phú Hữu, thuộc diện hộ nghèo từ sau cơn bão năm 2009) cho biết, có được cuộc sống ổn định như ngày nay là nhờ UBND xã quan tâm giúp đỡ về con giống từ Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông”.
Qua thời gian tham gia dự án, đến nay gia đình bà phát triển đàn dê lên 5 con, 1 con bò. Không dừng lại ở đó, bà Nguyệt đã vay thêm tiền để sửa chữa chuồng trại và mở quán điểm tâm sáng để cải thiện kinh tế gia đình.
Còn gia đình cựu chiến binh Võ Quốc Thanh (ngụ ấp Bà Từ) là 1 trong 101 hộ đã thoát nghèo cuối năm 2017. Ông cho biết, lúc trước gia đình ông rất khó khăn, nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp vận động xây tặng nhà mà gia đình ông mới có nơi ở ổn định.
Thấy mình còn sức lao động, có khả năng vươn lên, đầu năm 2018 gia đình ông mạnh dạn vay tiền đầu tư nuôi tôm sú trong 2.000 m2 ao của gia đình theo mô hình quảng canh.
Dù vậy, nỗ lực thoát nghèo trên địa bàn xã cũng gặp không ít khó khăn. Đó là do hiện nay tỷ lệ các hộ dân gặp rủi ro trong sản xuất, nuôi trồng còn cao do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Các mô hình sản xuất, chăn nuôi chủ yếu được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được tính liên kết trong cộng đồng; hầu hết sản phẩm sản xuất từ các mô hình không có đầu ra ổn định.
Chưa kể, công tác tuyên truyền về chính sách giảm nghèo trên địa bàn xã chưa thật sự sâu rộng, ý thức người dân về công tác giảm nghèo bền vững còn hạn chế, một số ít hộ nghèo còn tính ý lại, chưa chí thú làm ăn.
Bên cạnh đó, phần lớn các hộ dân không có hoặc ít đất canh tác, trình độ học vấn của người dân cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm của xã và sự hỗ trợ của các ngành, dự kiến trong năm 2018, xã Phú Tân sẽ có 64 hộ vươn lên thoát nghèo.
Đề cập về chặng đường thoát nghèo bền vững của xã trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Phan Ngọc Nhất mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quan tâm, hỗ trợ kịp thời để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Các hộ gia đình được hỗ trợ vốn cũng cần tập trung sản xuất và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích. Đồng thời, năm 2019 xã sẽ triển khai mô hình tôm - lúa do tổ chức Liên minh Na Uy hỗ trợ…