Xây 9 đập ngăn mặn ở miền Tây
9 đập ngăn mặn dọc theo sông Vàm Cỏ Tây với kinh phí xây dựng 5-10 tỷ đồng mỗi cái, nhằm bảo vệ 62.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả.
Ngày 23/6, ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, 9 đập được xây dựng để ngăn mặn từ sông Vàm Cỏ Tây tràn vào các con kênh nội đồng. Hiện, 5 cái dọc theo quốc lộ 62 (huyện Thạnh Hóa) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư.
Trong đó, hai đập Bà Hai Màng và Ông Nhượng lòng cống rộng khoảng 5 m dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Ba cống khác sẽ hoàn thành cuối năm sau. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đề xuất Bộ hỗ trợ kinh phí xây thêm bốn đập khác.
Khi hoàn thành, các cống đập này sẽ bảo vệ 62.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả vùng dự án Bắc Đông của hai tỉnh Long An và Tiền Giang.
“Từ năm 2016 đến nay, các vị trí này đến mùa hạn mặn phải đóng đập tạm, sau đó tháo dỡ, tổng chi phí mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng, nên cần được đầu tư kiên cố một lần để tiết kiệm chi phí”, ông Võ Kim Thuần nói.
Ba hôm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổng kết công tác phòng chống hạn mặn tại Long An. Mùa hạn mặn năm nay, nước mặn tiến sâu vào sông Vàm Cỏ Tây hơn 100 km, khiến hơn 2.700 ha lúa và 2.700 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; 3.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại tại tỉnh Long An trên 55 tỷ đồng.
Toàn miền Tây ghi nhận 16.500 ha đất tôm lúa, gần 42.000 ha lúa đông xuân, 6.650 ha cây ăn quả, 1.200 ha rau màu cùng 8.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Khoảng 96.000 hộ thiếu nước, hàng nghìn điểm sạt lở tại các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, An Giang.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định hạn mặn những năm tiếp theo sẽ diễn biến khó lường, do vậy cần chủ động các phương án ứng phó. Các địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện hạn mặn; xây các khu trữ nước ngọt ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; làm hệ thống đường ống, cầu máng chuyển nước cho các vùng ven biển; đầu tư các cống ngăn mặn ở cửa sông Cổ Chiên, Cung Hầu, Hàm Luông.