Xe quá tải: VASEP muốn có ngoại lệ
Cho dù nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh sự thiếu đồng bộ giữa tiêu chuẩn container quốc tế với quy định của Việt Nam đã khiến họ mắc kẹt trong việc xuất, nhập khẩu, Tổng cục Đường bộ vẫn khẳng định, các tiêu chuẩn về tải trọng hiện nay đã được áp dụng theo thông lệ quốc tế.
Đã áp dụng tải trọng theo thông lệ quốc tế
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay 22-4, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định hiện nay tải trọng vận chuyển hàng hóa bằng contairner tại Việt Nam đã áp dụng ở mức cao phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Thắng, việc kiểm tra tải trọng xe có hai vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp phải chú ý thực hiện đúng.
Thứ nhất là tổng tải trọng trục, trong đó có tổng trọng tải của xe hai trục, ba trục hay bốn trục. Vấn đề này đã được quy định đối với các loại xe khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Thứ hai là tổng trọng tải của xe. Khi thực hiện kiểm tra cơ quan chức năng sẽ kiểm tra cả hai yếu tố này.
Vì vậy, doanh nghiệp phải thực hiện đúng trọng tải của hai yếu tố trên. Nếu một trong hai yếu tố mà vượt quá quy định thì xe vẫn vi phạm quá tải.
Do vậy, vấn đề doanh nghiệp thủy sản phản ánh thì doanh nghiệp phải xem lại là container 40 feet mà doanh nghiệp chở là loại xe một trục hay hai trục. Đồng thời, phải tính cả tổng trọng tải của trục và tổng trọng tải của xe khi đó mới biết được chính xác có quá tải hay không.
“Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lấy tải trọng ở mức cao phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đang hội nhập với các nước không lẽ gì mà chúng tôi lại làm điều ngược lại” ông Thắng nói.
Doanh nghiệp thủy sản muốn có ngoại lệ
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết họ ủng hộ chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong việc kiểm tra và xử phạt xe chở quá tải. Thế nhưng, đơn vị này muốn có ngoại lệ cho ngành của mình đó là không kiểm tra tải trọng xe container chở hàng thủy sản.
Theo một vị đại diện của VASEP, sở dĩ họ muốn có ngoại lệ trên vì cho rằng hàng thủy sản hiện nay hầu hết được giao thương với quốc tế (xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài về), mà khách hàng nước ngoài chỉ chấp nhận nhập/xuất khẩu thủy sản khi mỗi container 40 feet phải đóng đúng 28 tấn, trong khi đó, quy định của Bộ GTVT, mỗi container 40 feet chỉ được phép chở tối đa 21 tấn.
“Chính sự bất cập giữa quy định tải trọng tối đa được phép của Bộ GTVT (21 tấn/container 40 feet- PV) và yêu cầu của khách hàng nước ngoài (28 tấn/container 40 feet- PV) đã khiến ngành thủy sản bị kẹt cứng”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, cho rằng quy định trên của Bộ GTVT là điều hợp lý trong điều kiện đường xá hiện nay; không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch kinh doanh xuất khẩu thủy sản của họ.
Theo ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), từ khi Bộ GTVT áp dụng kiểm tra tải trọng xe, hoạt động kinh doanh xuất khẩu thủy sản của Minh Phú vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng gì hết. “Bị ảnh hưởng là đối với những doanh nghiệp đóng hàng sẵn vào container, rồi vận chuyển lên cảng Sài Gòn (TPHCM) đưa xuống tàu xuất khẩu. Còn đối với Minh Phú, chúng tôi vận chuyển hàng từ nhà máy bằng xe tải đông lạnh, chở đúng tải lên cảng Sài Gòn sau đó mới đóng vào container rồi đưa xuống tàu xuất khẩu nên không bị ảnh hưởng gì”, ông An cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn CAFATEX (Hậu Giang), cho biết quy định trên của Bộ GTVT công bằng mà nói là điều hợp lý trong điều kiện đường xá của Việt Nam hiện nay. “Nhưng việc này (giảm tải) chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, còn mức độ ảnh hưởng, khó khăn thế nào thì tùy từng doanh nghiệp, hình thức vận chuyển của họ thôi”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo VASEP, việc vận chuyển hàng hóa từ nhà máy bằng xe tải đông lạnh lên tới cảng Sài Gòn mới đóng vào container rồi đưa xuống tàu chở đi xuất, ngoài việc chi phí vận chuyển tăng lên (chi phí bốc dỡ, lưu xe tại cảng, nâng hạ container…), còn dễ làm hàng hóa bị hư hỏng vì đặc thù của ngành thủy sản là phải luôn giữ ở nhiệt độ dưới 18 độ C trong suốt quá trình vận chuyển.
Ước tính của VASEP, cho biết mức phí vận chuyển tăng thêm mà doanh nghiệp phải trả cho việc giảm tải khoảng 880.000 đồng/tấn, tương đương mỗi năm ngành thủy sản phải trả thêm khoảng 1.056-1.144 tỉ đồng tiền phí vận chuyển (mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2-1,3 triệu tấn thủy sản).