TIN THỦY SẢN

Xử lý ao nuôi tôm bằng công nghệ điện hóa - siêu âm

Công nghệ xử lý nước. Hình minh họa

Công nghệ điện hóa - siêu âm là giải pháp được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm.

Ao nuôi tôm của Công ty cổ phần Huetronics ở xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ứng dụng công nghệ điện hóa - siêu âm trong xử lý nước ao nuôi tôm. Đây là giải pháp đã từng gặt hái thành công tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long với ưu điểm không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào khác trong quá trình nuôi.

Tác giả của đề tài này là Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và cộng sự thuộc bộ môn Vật lý chất rắn - khoa Vật lý trường Đại học Khoa học Huế.

"Đây là mô hình tuần hoàn nên tránh được việc gây ô nhiễm ra bên ngoài. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình này vấn đề xử lý khuẩn hay xử lý đạm trong ao nuôi rất tốt" - Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng - chia sẻ.

Thiết bị xử lý nước trong hồ tôm dựa trên nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí. Dung dịch vi bọt khí được điều chế bằng phương pháp điện hóa - siêu âm đã tăng hiệu suất diệt khuẩn mà không cần đến bất kỳ một loại hóa chất diệt khuẩn, kháng sinh nào và cũng không cần thay nước trong suốt vụ nuôi.

Bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất, dung dịch vi bọt khí đã đem lại chìa khóa thành công cho nuôi tôm thâm canh vì đã cùng lúc xử lý đạm hóa tan trong suốt vụ nuôi, xử lý khuẩn, xử lý tảo và làm giàu oxy cho nước hồ tôm.

Được trao giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam 2016, giải pháp công nghệ điện hóa - siêu âm xử lý nước nuôi trồng thủy sản được ứng dụng thành công ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, đã giải được bài toán lớn về xử lý các chất dư thừa đọng lại dưới đáy ao nuôi.

Xem thêm: Công nghệ mới cải thiện nước nuôi trồng thủy sản

VTV