TIN THỦY SẢN

Xử lý nước ao lắng hiệu quả tiết kiệm

Xử lý nước ao lắng. Ảnh: apanano.com Thuần Phạm

Để bắt đầu một vụ nuôi mới, giai đoạn chuẩn bị nước để cấp vào ao nuôi là một công việc hết sức quan trọng. Ao chứa nước này được gọi là ao lắng. Vậy chúng ta cần phải xử lí nước ao lắng như thế nào là hiệu quả, tiết kiệm nhất cho vụ nuôi mới? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.

Vai trò quan trọng của ao lắng trong nuôi tôm 

Tên gọi “ao lắng” đã không còn quá xa lạ với người nuôi tôm hiện nay. Ao lắng đóng vai trò quan trọng cho toàn bộ quá trình nuôi bằng cách loại bỏ những mầm bệnh nguy hiểm và là yếu tố kỹ thuật hầu như không thể thiếu trong hệ thống nuôi. Đặc biệt là ở mô hình nuôi tôm thâm canh hoặc bán thâm canh. 

Với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên địa bàn nuôi tôm hiện nay, ao lắng được cho rằng có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của vụ nuôi. Bên cạnh đó, do quá trình nuôi ồ ạt, sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại. Nhất là tình hình xâm nhập mặn, nước bốc hơi nhanh, môi trường ao nuôi ô nhiễm,... thì ao lắng chính là giải pháp tối ưu nhất. 

Sử dụng ao lắng sẽ giúp người nuôi một số việc quan trọng như: 

- Đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi 

- Loại bỏ các chất rắn lơ lửng 

- Giúp giữ và rửa bùn cặn trong ao 

- Giúp làm giảm số lượng mầm bệnh 

- Xử lý lượng tồn dư hóa chất, chất tiệt trùng 

- Giúp lắng lọc hàm lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật 

- Giúp dự trữ nguồn nước khi thời tiết hạn hán hoặc bị xâm nhập mặn 

Xử lý mầm bệnh trong nước trước khi thả tôm 

Bước 1: Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để lắng 3 – 7 ngày. 

Bước 2: Kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng bằng cách chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày. 

Chạy quạt cho ao nuôi

Bước 3: Sử dụng Chlorine nồ độ 20-30 ppm (20-30kg/1.000m3 nước) để diệt tạp, diệt khuẩn nước ao lắng vào buổi sáng (khoảng 8h) hoặc buổi chiều ( khoảng 16h). Ngoài ra có thể sử dụng một số hoá chất có thể dùng để diệt tạp, diệt khuẩn nước: 

+ Thuốc tím (KMnO4): 20 – 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới gây màu nước 

+ BKC (Benzalkonium Chlorinde) ≥ 50%: là 3 – 5ppm (30 – 50kg/ha). 

+ Hợp chất Iodine  ≥ 10%: 1 – 3 lít/1.000 m3 nước. 

– Bước 4: Quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng chlorine trong nước bằng thuốc thử đơn tính. 

– Bước 5: Lấy nước từ ao chứa đã được xử lý vào ao nuôi qua túi lọc. 

Ngoài ra, bà con còn có thể sử dụng các phương pháp khác như: 

- Sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS)  

- Sử dụng cá rô phi để lọc nước 

Một số lưu ý khi xử lí nước ở ao lắng 

Khi xử lí nước ở ao lắng, bà con cần lưu ý một số điều sau: 

- Đối với ao chứa duy trì nuôi cá rô phi liên tục trong suốt quá trình. 

- Không lấy nước vào ao khi: nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa. Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh. Nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm. 

Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các hoá chất: hoặc thuốc tím, hoặc Chlorine , hoặc BKC, hoặc Iodine. Nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó từ 3 – 5 ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine. 

Sau khi đã diệt khuẩn và các loài tạp gây bệnh cho tôm, bà con có thể tiến hành sử dụng các chế phẩm vi sinh gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nâu là tốt nhất cho việc thả tôm giống. 

Thuần Phạm