Xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản khó cạnh tranh do thuế cao
Suốt từ đầu năm tới hết tháng 10, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản sụt giảm liên tục. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2013 XK cá ngừ của Việt Nam sang đây chỉ đạt hơn 38,3 triệu USD, giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sa sút của nền kinh tế Nhật Bản, sự giảm giá của đồng yên trong năm nay cộng với việc nước này thắt chặt các biện pháp quản lý an toàn thực phẩn đã khiến các nhà cung cấp cá ngừ chuyển hướng XK sang các thị trường đang phát triển khác như Châu Âu, Hàn Quốc và Bắc Mỹ.
Mặc dù nổi tiếng là thị trường tiêu thụ cá ngừ tươi sống và đông lạnh, nhưng tại khu vực Châu Á, Nhật Bản cũng là một thị trường tiêu thụ quan trọng đối với cá ngừ đóng hộp, kể cả với Việt Nam. Trong khi XK cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản giảm tới gần 25% thì mặt hàng cá ngừ chế biến của Việt Nam lại đang có sự tăng trưởng tới gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản phẩm cá ngừ chế biến chỉ chiếm hơn 14% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản, nhưng với tình hình nguồn nguyên liệu hiện nay, đây vẫn được coi là kết quả khả quan. Tuy nhiên, với mặt hàng này các DN Việt Nam đang rất khó cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản.
XK các mặt hàng cá ngừ chế biến của Việt Nam sang đây luôn phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm đến từ các nước trong khối ASEAN. Trong đó, 2 đối thủ đáng gờm nhất là Thái Lan và Philippines.
Cụ thể, theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, tính đến hết tháng 10 năm nay, riêng 4 mặt hàng cá ngừ chế biến XK chủ lực của Việt Nam sang đây đạt hơn 571 triệu yên, giảm gần 4% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, XK các mặt hàng này của Thái Lan và Philippines lại tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 23% và 5%.
Theo tìm hiểu, hiện tại Việt Nam cùng với các nước trong ASEAN 6 (gồm có Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan) đã tiến hành đàm phán với Nhật Bản trong hai khuôn khổ: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Như vậy các DN XK sang Nhật Bản có thể lựa chọn 1 trong 3 mức thuế là AJCEP, VJEPA hay GSP.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng các sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất bất lợi. Cụ thể là đối với hai mặt hàng cá ngừ vây vàng đóng hộp (mã HS160414092) và thăn cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS160414099) đang phải chịu mức thuế suất cao hơn so với của Thái Lan Philippines.
Hai mặt hàng này, từ mùng 01/4/2009 Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 4,8% tiếp đó giảm xuống còn 1,6% kể từ tháng 4/2011 và xuống còn 0% từ tháng 4/2012. Còn Philipin cũng đang được hưởng mức thuế 4,8% tiếp đó sẽ giảm xuống còn 2,4% từ tháng 4/2011 và 1,2% từ tháng 4/2012 và xuống còn 0% từ tháng 4/2013. Trong khi các DN XK cá ngừ của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế suất 7,2% theo GSP giữa Việt Nam và Nhật Bản, và 9,6% theo VJEPA, và thậm chí cũng không được cắt giảm hàng năm đến 0% như những nước này.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước đạt tiêu chuẩn XK dưới dạng tươi sống và đông lạnh không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của DN phần lớn là do kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khai thác chưa tốt. Nếu làm tốt thì tổng sản lượng khai thác của Việt Nam cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nhật Bản. Thế nên, việc đẩy mạnh XK các sản phẩm cá ngừ chế biến sang đây là hướng đi tốt nhất cho các DN tại thời điểm hiện tại. Nhưng với mức thuế suất này các sản phẩm cá ngừ chế biến Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước cùng khu vực.