Xuất khấu cá tra 3 tháng đầu năm 2022 tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021
Ngành cá tra Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong ba tháng đầu năm 2022 (Vasep), trong đó xuất khẩu cá tra sang những thị trường quốc tế đạt 654 triệu đô, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến tháng 3 năm 2022, tổng sản lượng cá Tra đạt 350 ngàn tấn và con số này tăng 9.9% so với năm 2021. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi mới 777 ha, giảm 5.9% so với năm ngoái (theo dữ liệu báo cáo của Tổng cục Thủy sản-Bộ NN&PTNT). Đồng Tháp tiếp tục là địa phương sản xuất cá tra lớn nhất cả nước, trong đó tổng diện tích thả nuôi là 1176 ha và đây cũng là tỉnh có tổng kim ngạch xuất khẩu cá Tra QI/2022 là 173.6 triệu đô chiếm đến 37%.
Đồng Tháp là địa phương có nhiều công ty tham gia hoạt động xuất khẩu cá tra, đặc biệt phải kể đến 5 công ty xuất khẩu hàng đầu: Vĩnh Hoàn, IDI, Trường Giang, Cadovimex II, và Hùng Cá. Sau Đồng Tháp là An Giang, đây là tỉnh có giá trị xuất khẩu đạt 82.5 triệu đô chiếm 17.6% với một số doanh nghiệp lớn như Navico, CL-Fish, Anmyfishco. Đứng thứ ba là Cần Thơ và Tiền Giang lần lượt chiếm 14.5% và 13.23%.
Khảo sát tại Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu ở địa phương này dao động từ 30.000 đến 32.000 VNĐ/kg, với mức giá này người sản xuất cá tra có thể có lãi, do chi phí sản xuất chỉ trung bình khoảng 24565 VNĐ/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, thì giá cá tra nguyên liệu năm nay tăng 8.000 VNĐ/kg.
Giá cá tra phile đông lạnh tăng. Ảnh: TP
Sự gia tăng giá cá tra nguyên liệu đã dẫn đến các sản phẩm cá tra phile đông lạnh cũng tăng theo. Cụ thể, giá cá tra phile đông lạnh dao động từ 3,2 đến 3,4 đô la/kg. Ngoài cá tra nguyên liệu, thì giá cá tra giống cũng được ghi nhận là có sự tăng đáng kể, dao động từ 53.000 VNĐ đến 56.000 VNĐ tăng gần 30.000 VNĐ/kg nếu so với 2021.
Theo VASEP, hiện có 117 thị trường nhập khẩu cá tra của nước ta trên toàn thế giới, tăng thêm 5 thị trường so với QI năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu QI, 2022 của cá tra là 653 triệu đô la (tăng trưởng 90% so với năm ngoái). Trong tổng các sản phẩm xuất khẩu thì các sản phẩm cá tra phile đông lạnh tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất 88% (đạt doanh thu 576 triệu đô), ngoài ra các sản phẩm khác như cá tra nguyên con tươi hoặc đông lạnh chiếm 11% và ít nhất là các sản phẩm liên quan đến cá tra đã qua chế biến, chỉ chiếm 1% trong tổng giá trị.
Trong các thị trường xuât khẩu, đáng kể nhất có thể kể đến thị trường Trung Quốc-Hồng Kông, đây là thị trường lớn nhất của chúng ta về xuất khẩu cá tra, cụ thể hết QI năm nay tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này là 183.4 triệu đô tăng 163.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kế đến là thị trường Hoa Kỳ và CPTPP lần lượt là 160 và 80.2 triệu đô. Hầu hết các thị trường lớn nhập khẩu cá tra Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên vẫn có một số thị trường chững lại, thậm chí suy giảm, ví dụ như thị trường Anh giảm 2.4% với giá trị xuất khẩu cá Tra là 12 triệu đô la. Những tín hiệu tích cực được ghi nhận ở thị trường Trung Quốc-Hồng Kông được xem là kết quả của sự mở cửa trở lại ở một số cảng lớn mà trước đó là những qui định “đóng cửa” nghiêm ngặt trong thời điểm bùng dịch Covid-19, điển hình một số cảng nhập khẩu thủy hải sản lớn ở Trung Quốc như: Đại Liên, Thanh Đảo, Đông Hưng...
Nguồn: VASEP- Report on Vietnam seafood exports in Q.I/2022, Ha Noi, 2022