Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục 11 tỉ USD
Chiều 27-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,0% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn), trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021 (3,93 triệu tấn), chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch (giảm còn khoảng 3,72 triệu tấn), nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% với năm 2021 (4,85 triệu tấn) và 3,7% theo kế hoạch (5 triệu tấn).
Các chỉ tiêu đều đạt vượt mức Chiến lược xây dựng và phát triển ngành thủy sản đề ra. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so kế hoạch (9,0 tỷ USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu: Tôm nước lợ đạt 4,1-4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021).
Về kế hoạch năm 2023, ngành thủy sản đặt ra: Diện tích nuôi trồng thủy sản cơ bản giữ ổn định so với năm 2022, tổng diện tích 1,3 triệu ha; sản lượng tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Cũng trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, năm 2023 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT; phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản cho phù hợp với thực tiễn...