TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu thủy sản Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn

Các nhà xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sẽ đối mặt với một thử thách lớn.

Theo Liên minh tiếp thị và Chế biến thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), các nhà xuất khẩu thủy sản Trung Quốc sẽ đối mặt với một thử thách lớn khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, quốc gia này là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ USD trong năm 2019.

Với tình hình đại dịch diễn biến theo chiều hướng xấu, tình hình đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trở nên phức tạp. Theo CAPPMA, xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc trong năm 2020 có thể đối mặt với những diễn biến khó lường của thị trường ở mức cao nhất lịch sử.

Theo khảo sát của CAPPMA, còn khoảng 94% các doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Trung Quốc đang hoạt động, sau khoảng 2 tháng bùng phát của dịch Covid-19, một số lượng lớn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Bên cạnh đó, tỷ lệ công nhân quay trở lại các nhà máy đã tăng lên mức 77%.

Theo CAPPMA, việc mở cửa trở lại của các doanh nghiệp khiến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp đang được cải thiện. Tuy nhiên, CAPPMA cũng lưu ý rằng, việc hoãn 2 triển lãm thủy sản lớn nhất thế giới -Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ và Triển lãm thủy sản toàn cầu đã đóng " 2 kênh truyền thông quốc tế" quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc.

Về mặt tích cực, CAPPMA cho biết doanh số thủy sản trong nước của các công ty được khảo sát đã tăng. Trong số các công ty được khảo sát, chỉ một số công ty vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, những công ty khác tập trung vào thị trường nội địa đang triển khai các đơn hàng bình thường.

Về mặt chế biến, hàng tồn kho nguyên liệu của 58 doanh nghiệp được khảo sát cao hơn 60% so với mức tồn kho trong cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hơn một nửa doanh nghiệp đã bắt đầu hoặc có kế hoạch mua nguyên liệu chế biến.

Khối lượng xuất khẩu lớn

Theo số liệu do Undercurrentnews tổng hợp, Trung Quốc đã xuất khẩu 19,94 tỷ USD các sản phẩm thủy sản trong năm 2019. Khối lượng xuất khẩu bao gồm các sản phẩm thủy sản được giao dịch theo mã HS03, HS1604 và HS1605.

Một khối lượng lớn thủy sản xuất khẩu là các sản phẩm mực ống, mực nang đông lạnh được khai thác trên toàn cầu và được chế biến ở Trung Quốc, cũng như các sản phẩm tôm và cá rô phi được nuôi và chế biến ở miền Nam nước này. Theo hệ thống xuất khẩu theo mã HS, mặt hàng thủy sản đem lại giá trị xuất khẩu cao nhất của Trung Quốc là mực nang và mực ống với giá trị xuất khẩu trong năm 2019 đạt 2 tỷ USD. Đối với sản phẩm cá thịt trắng, phi lê cá tuyết mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất (814 triệu USD), cá minh thái Alaska cấp đông, phi lê đạt giá trị xuất khẩu 800 triệu USD.

Theo Undercurrentnews, việc lây lan không kiểm soát của dịch Covid-19 ở châu Âu và Mỹ đang gây ra những sự bất ổn trên thị trường đối với sản phẩm cá minh thái thành phẩm, dù trước đó giá cá minh thái bỏ đầu, rút ruột của Nga tăng khi các nhà máy Trung Quốc chế biến trở lại.

Thị trường Mỹ đang thiếu hụt sản phẩm do sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở Mỹ và Châu Âu giảm mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh số cá minh thái. Do đó, giá hợp đồng cho sản phẩm phi lê cấp đông hai lần không được thiết lập.

Mặt khác, một nhà chế biến và xuất khẩu cá rô phi có trụ sở tại Hải Nam cho biết các siêu thị ở châu Âu và Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cá rô phi tăng cường các lô hàng xuất khẩu khi doanh số bán lẻ tăng đột biến.

VASEP