Xuất khẩu tôm dễ đạt mục tiêu 2,5 tỷ USD
Từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình xuất khẩu chung của cả nước gặp nhiều khó khăn, nhưng mặt hàng tôm lại có những bứt phá đầy ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Đặc biệt, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công nhận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá, đây được coi là một lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại, vượt mục tiêu phấn đấu 2,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu tôm thời gian qua cũng như nhận định khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2013?
Ông Trương Đình Hòe: Xuất khẩu thủy sản của nước ta 9 tháng qua đạt khoảng 4,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm khả năng đạt xấp xỉ 2 tỷ USD.
Như vậy có thể đánh giá rằng, năm 2013 doanh số xuất khẩu tôm có thể đạt 2,5 tỷ USD. Đây có thể nói là con số khá bất ngờ, bởi ngay tư đầu năm các doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu tôm bằng mức xuất khẩu của năm ngoái, là 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên do thay đổi của thị trường, đặc biệt là một số nước xuất khẩu tôm chủ lực có dấu hiệu sụt giảm về sản lượng do dịch bệnh. Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh tôm ngay từ đầu năm, nên có nhiều cơ hội xuất khẩu tôm trong năm nay.
PV: Đối với các thị trường xuất khẩu tôm hiện nay của Việt Nam, theo ông cần khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu vấn đề gì ?
Ông Trương Đình Hòe: Thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất hiện nay của Việt Nam và Nhật Bản. Đây là thị trường thường xuyên của tôm Việt Nam. Trong một vài năm gần đây nhu cầu của các thị trường này về tôm của Việt Nam gia tăng đáng kể do nguồn cung từ các nước khác giảm sút.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải cẩn thận; đồng thời cập nhật thông tin. Bởi có thể ngành tôm Thái Lan sẽ phục hồi sớm nguồn cung so với dự kiến.
Trước đây, ngành tôm Thái Lan dự đoán sản lượng giảm khoảng 50%, nhưng đến nay họ thông báo nguồn nguyên liệu chỉ giảm khoảng 30%, như vậy khả năng phục hồi việc nuôi tôm có những thuận lợi hơn, cũng có thể làm gia tăng nguồn cung. Do vậy các doanh nghiệp hết sức thận trọng trong quá trình đàm phán để có thể đảm bảo được khi giao hàng.
PV: Trong khi các doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu, thì lại có thông tin nông dân găm hàng chờ giá. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các đơn hàng đã ký ?
Ông Trương Đình Hòe: Trong thời gian 2 – 3 tháng trở lại đây, có một hiện tượng nổi lên đối với ngành tôm đó là việc thu mua ồ ạt tôm để xuất sang Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu tươi, điều này cũng tạo ra cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, bởi người nuôi có tâm lý găm hàng chờ bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc với giá cao hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sau một thời gian thì hiện nay lượng hàng xuất bán đi Trung Quốc đã giảm mạnh, cũng có thể do thời vụ và nhu cầu bên Trung Quốc giảm mạnh.
Tình hình này nếu người nuôi vẫn tiếp tục găm hàng chờ giá thì sẽ là khó khăn cho các doanh nghiệp có nguồn tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng, người nuôi cũng có đánh giá đúng, đến thời vụ thì nên thu hoạch và cung cấp cho doanh nghiệp để chế biến xuất khẩu.
Theo những thông tin mới nhất, sang năm, theo ý kiến của Tổng cục Thủy sản thì có thể đưa thời gian vào nuôi tôm thẻ chân trắng sớm hơn so với quy trình hiện nay, để đảm bảo chống được dịch bệnh tôm thẻ chân trắng, như vậy trong thời gian ngắn có thể thiếu hụt về nguyên liệu và sau đó nguồn cung sẽ tốt hơn.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!./.