Xuất khẩu tôm tăng 21% nhờ nhu cầu tăng từ các nước nhập khẩu chính
Tính tới tháng 8/2017, giá trị XK tôm Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016 nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường nhập khẩu chính.
XK tôm Việt Nam khởi sắc nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường NK chính, diện tích, sản lượng và giá tôm trong nước tăng khả quan. Diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 679.000 ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt trên 363.000 tấn tăng 21,4%.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 64,2%; tôm sú 24,5% và còn lại là tôm biển (11,2%). Tỷ trọng XK tôm chân trắng 8 tháng đầu năm nay tăng lên 64,2% từ 60,4% của cùng kỳ năm 2016, tỷ trọng tôm biển tăng lên 11,2% từ 8,2% tuy nhiên tỷ trọng tôm sú giảm xuống 24,5% từ 31,4%. Giá trị XK tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD; tăng 29% trong khi giá trị XK tôm sú đạt 605,9 triệu USD; giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng các sản phẩm tôm XK, tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Top 10 thị trường NK tôm chính của Việt Nam gồm EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ. Trong số 10 thị trường này, duy nhất XK sang Mỹ giảm, XK sang tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng tốt.
EU
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2017, EU vươn lên trở thành thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam. Giá trị XK tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 483,6 triệu USD; tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính tới tháng 8 năm nay, XK sang 3 thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam (Anh, Hà Lan, Bỉ) trong khối EU đều tăng trưởng ở mức 2 con số lần lượt 46,5%; 47,8% và 34,1%. Giá trị XK tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng NK để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.
Đây cũng là tín hiệu tốt, tạo đà tăng trưởng mạnh hơn cho XK tôm sang thị trường này những tháng cuối năm trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đang chuẩn bị có hiệu lực.
Nửa đầu năm nay, NK tôm vào EU từ các nguồn cung khác trong đó có Việt Nam được lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Ecuador và EU. Mỗi năm, EU NK khoảng 40.000 tấn tôm chân trắng với thuế suất 0% theo hệ thống hạn ngạch thuế quan độc lập. Nhờ FTA với Ecuador, các nguồn cung khác trong đó có Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để bổ sung đủ các hạn ngạch thuế 0%. Đây cũng là một yếu tố giúp thúc đẩy XK tôm Việt Nam sang EU.
Bên cạnh đó, EU đang tăng cường thanh tra các lô tôm từ Ấn Độ và có xu hướng giảm NK tôm từ nguồn cung này. Trong khi Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường EU nên EU sẽ NK nhiều hơn từ Việt Nam để bù đắp khối lượng NK giảm từ Ấn Độ.
Người tiêu dùng EU sẽ ngày càng tăng mua các sản phẩm thủy sản sản xuất bền vững trong cả các kênh bán lẻ lẫn kênh dịch vụ ẩm thực. DN nên chú trọng vấn đề dán nhãn và kiểm định chất lượng để phát triển thị trường này.
Mỹ
Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4 về NK tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị XK tôm sang Mỹ đạt gần 416 triệu USD; giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ) cũng phần nào làm giảm XK tôm Việt Nam sang Mỹ.
Sản lượng tôm chân trắng Ấn Độ đang tăng nhờ phát triển hiệu quả các dự án nuôi tôm chân trắng. Hơn nữa, Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã công bố kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh NK từ Ấn Độ. Thuế đối với tôm nước ấm đông lạnh NK từ Ấn Độ ở mức 0,84% trong đợt xem xét hành chính từ 1/2/2015 đến 31/1/2016, giảm so với mức trước đó. Thông tin này giúp tăng khả năng cạnh tranh của tôm Ấn Độ trên thị trường Mỹ và giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam.
XK tôm sang Mỹ đã có xu hướng tăng từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay cộng với nhu cầu NK cuối năm nhích lên nên dự báo XK tôm sang thị trường này những tháng cuối năm sẽ tăng tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn.
Với nhu cầu tăng trưởng tốt từ các thị trường châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) và EU, DN nâng cao năng suất chế biến, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tinh chế; XK tôm Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ; tăng khoảng 6% so với năm 2016.