Yên Dũng kích cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa
Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thực hiện nhiều giải pháp kích cầu sản xuất hàng hóa. Qua đó giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao thu nhập.
Hình thành vùng tập trung
Căn cứ vào chất đất, khí hậu tại địa bàn, Yên Dũng chọn lúa thơm, lúa chất lượng là cây trồng chính trong cơ cấu giống lúa. Huyện chú trọng quy hoạch, có chính sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi, trợ giá giống. Nhờ các biện pháp trên, những giống lúa này ngày càng nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng toàn huyện gần 7 nghìn ha; trong đó có 6 vùng gieo cấy lúa thơm chuyên canh bình quân từ 40-50 ha cho giá trị kinh tế cao. Riêng trong vụ xuân vừa qua, giá bán lúa thơm dao động từ 9-10 nghìn đồng/kg, cao hơn 1,5 lần so với lúa thường; thu nhập đạt hơn 50 triệu đồng/ha/vụ.
Điển hình là xã Tư Mại bình quân mỗi vụ gieo cấy gần 400 ha lúa thơm, chiếm 85% diện tích lúa của xã. Theo đại diện lãnh đạo xã, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, xã phân vùng, khuyến cáo người dân cấy ở từng xứ đồng để tiện cho việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Sau nhiều vụ sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nên bà con đã chọn giống lúa này để đầu tư thâm canh. Chị Nguyễn Thị Anh, thôn Đông Khánh chia sẻ: “Ở vụ trước, mỗi sào lúa thơm gia đình tôi thu được hơn 2 tạ thóc, tương đương với giống KD18 song lại bán được giá hơn. Vụ mùa này, gia đình tôi tiếp tục cấy 4 sào lúa Bắc Thơm”.
Cùng với phát triển lúa thơm, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều cánh đồng thu nhập cao trồng rau màu, dược liệu. Với 5 vùng sản xuất dược liệu trên tổng diện tích hơn 100 ha đã có một số hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ đem lại lợi nhuận khá. Đơn cử, HTX Cây thuốc Việt, thôn Cát, xã Đức Giang liên kết với Công ty cổ phần Dược phẩm OPC Bắc Giang sản xuất 10 ha dược liệu gồm: Cà gai leo, đinh lăng, hoa hòe.. Thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ đưa giống cây trồng mới kết hợp với ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nên năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác của huyện đạt hơn 90 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng khai thác lợi thế để nuôi trồng thủy sản. Với hơn 1 nghìn ha nuôi thả, diện tích cá thâm canh khoảng 200 ha, tập trung tại các xã: Lão Hộ, Hương Gián, Đồng Phúc, Xuân Phú, Đồng Việt... Trong điều kiện nuôi thâm canh các giống cá mới như rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, chim trắng, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, cao gấp đôi so với cá giống cũ. Thông qua các mô hình hỗ trợ, toàn huyện có 40 trang trại nuôi thủy sản, doanh thu đạt 200-250 triệu đồng/năm. Năm 2015, sản lượng thuỷ sản toàn huyện hơn 4,5 nghìn tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản toàn huyện ước đạt gần 3 nghìn tấn.
Tập trung nguồn lực, nâng giá trị sản phẩm
Dù đạt được nhiều kết quả song sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện vẫn còn một số hạn chế đó là hiệu quả chưa bền vững, rủi ro cao, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có chuyển biến tích cực song diễn ra chậm và không đồng đều ở các xã, thị trấn; chất lượng nông sản hàng hóa sức cạnh tranh thấp; ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún.
Rút kinh nghiệm và xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại địa bàn nên giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó phấn đấu đến năm 2020, giá trị thu nhập bình quân diện tích đất canh tác đạt từ 110-120 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 30 triệu đồng/ha so với năm 2015; sản lượng thủy sản gần 7 nghìn tấn; diện tích dược liệu hơn 300 ha; xây dựng thương hiệu cho 1-2 sản phẩm chủ lực. Để đạt mục tiêu này, huyện đề ra các giải pháp như: Quy hoạch và tích tụ ruộng đất; tăng cường phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ngay trong vụ xuân năm 2016, toàn huyện đã dồn điền đổi thửa thành công hơn 500 ha tại các xã Lãng Sơn, Trí Yên, Quỳnh Sơn. Cánh đồng sau dồn đổi đa phần đã được các thôn, xã xây dựng cánh đồng mẫu trồng rau màu, cấy lúa và có sự tham gia của doanh nghiệp. Được chỉ đạo sát sao về kỹ thuật nên thực tế sản xuất tại cánh đồng mẫu cho hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 20% so với canh tác thông thường. Huyện cũng tiếp tục ban hành chính sách về sản xuất nông nghiệp, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nông dân một phần giá giống, công làm đất; xây dựng mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi mới; chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Nhằm tạo bước đột phá về thu nhập, Yên Dũng đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau trái vụ tại xã Cảnh Thụy với diện tích 5 ha, lợi nhuận đạt hơn 200 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì thực hiện dự án xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất rau an toàn VietGAP theo chuỗi. Tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Đến nay, giếng khoan, kênh mương nội đồng, hệ thống máy bơm, điện tại vùng sản xuất của xã Cảnh Thụy đã đầu tư xây dựng xong; nhà lưới phục vụ gieo trồng vụ đông đang gấp rút thi công. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngoài các giải pháp trên, chúng tôi đang thu hút đầu tư để cải tạo chợ trung tâm của huyện, xã và khuyến khích hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào liên kết để tiêu thụ nông sản cho bà con”.