Yên Mô: Nuôi cá trên ao nổi cho hiệu quả kinh tế cao
Với nhiều ưu điểm nổi trội so với nuôi cá trong ao chìm như không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, cho năng suất và giá trị cao....nên trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân của huyện Yên Mô đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trên ao nổi.
Tới thăm mô hình nuôi cá trên ao nổi của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Yên Lâm, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước quy mô và hệ thống ao nuôi ở đây tương đối hiện đại. Toàn bộ ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt ôxy... Được biết, trước đây diện tích ruộng trũng này được gia đình anh Dũng cấy lúa nhưng hiệu quả thấp. Qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sách báo và đi thực tế một số mô hình trên địa bàn huyện, năm 2018 anh Dũng quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng mô hình nuôi cá trên ao nổi.
Theo anh Dũng, sở dĩ anh lựa chọn công nghệ nuôi cá trên ao nổi vì đây là kỹ thuật tương đối mới, xuất hiện trên địa bàn huyện 2-3 năm trở lại đây và đã khẳng định hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, ao nổi có khá nhiều lợi thế so với ao chìm. Nếu ao chìm thường phải đào rất sâu thì ao nổi chỉ cần đào sâu từ 30 - 50 cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5-2m. Do đó, chi phí đào ao nổi chỉ bằng 1/3 chi phí đào ao chìm. Ngoài ra, vì là ao “nổi” nên có nhiều tiện ích hơn hẳn so với ao chìm như: đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, sóng nhiều, thoát khí tốt nên lượng mùn và bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy rất ít, hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển; chi phí nuôi giảm và mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn ao chìm... Hiện nay, toàn bộ diện tích 4 mẫu ao được anh Dũng thả cá trắm ốc và cá chép. Tuy mới nuôi cá được gần 1 năm nhưng hiệu quả bước đầu đem lại cho gia đình anh Dũng rất khả quan, cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ cung ứng ra thị trường trên 30 tấn cá thương phẩm và cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Chúng tôi tiếp tục về xã Yên Hòa, một trong những địa phương phát triển khá mạnh nuôi trồng thủy sản. Khoảng 2-3 năm gần đây, nhiều hộ dân của Yên Hòa đã mạnh dạn mượn đất, thuê đất đầu tư nuôi cá trên ao nổi có quy mô lớn với các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm đen, chép, chạch sụn, cá giống....cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, Yên Hòa đã phát triển trên 7 ha nuôi thủy sản trên ao nổi. Mô hình nuôi cá trên ao nổi bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ còn xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp có giá trị thu hoạch đạt khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha. Điển hình như bác Vũ Đức Tôn, thôn Thổ Hoàng có 3 mẫu ao nuôi thủy sản, trong đó có 2 mẫu là ao nổi. Bác Tôn cho biết: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi đã chuyển hướng nuôi cá giống với diện tích ban đầu chỉ hơn 1 mẫu ruộng. Thực hiện dồn điền, đổi thửa, cùng với thuê đất của những hộ thiếu lao động, không có nhu cầu sản xuất, tôi đã mở rộng lên 3 mẫu mặt nước để nuôi cá. Bên cạnh duy trì 1 mẫu ao chìm, tôi đã xây dựng 2 mẫu ao nổi chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá chép, cá trắm ốc”. Nhờ hệ thống ao nổi, năm 2018 bác Tôn đã thu hoạch hàng chục tấn cá, sau khi trừ chi phí ước tính thu trên 200 triệu đồng/ha.
Những năm gần đây, nhằm khuyến khích các hộ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi các mô hình cây, con có hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi cá trên ao nổi, huyện Yên Mô đã có chính sách hỗ trợ 1 ha chuyển đổi là 10 triệu đồng để cải tạo và hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi cá trên ao nổi. Đến nay, toàn huyện có trên 60 ha ao nổi, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Thái, Yên Mạc, Yên Thắng, Khánh Thượng... Ước tính giá trị thu hoạch của mô hình ao nổi đạt từ 350 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Nuôi cá trên ao nổi ở Yên Mô đã khẳng định được nhiều ưu thế như dễ dàng điều tiết nguồn nước, quản lý được dịch bệnh, quan trọng hơn là không phá vỡ kết cấu hạ tầng, thuận lợi khi chuyển đổi sang hình thức sản xuất khác, góp phần đưa thủy sản địa phương phát triển theo hướng bền vững. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của nuôi trồng thuỷ sản trong huyện và phát huy hiệu quả của mô hình nuôi cá trong ao nổi, thời gian tới Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường và không phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản phải đi đôi với xây dựng các mô hình liên kết giữa các hộ nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao.