Cá Nanh Heo
Phân loại
Đặc điểm
Vi lưng: D. (2 – 3), 8
Vi hậu môn: A. (2 – 3), 5 Vi bụng: V. 1.7
Vi ngực: P. 10 –13
Cá Nanh Heo có đầu nhỏ, dẹp bên. Mõm dài nhọn, chót mõm có hai đôi râu ngắn dính nhau ở gốc. Miệng dưới, hẹp, rạch miệng rất ngắn. Môi trên mỏng trơn láng, rãnh sau môi liên tục. Môi dưới dày hơn môi trên, chia làm nhiều thùy và trên có nhiều gai thịt mịn. Mắt nhỏ không bị che phủ bởi da, nằm lệch về phía trên của đầu và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang. Phía dưới và lệch về phía trước mắt có một gai nhọn, cứng, gốc gai có một nhánh nhọn, gai này có thể giương ra phía trước để tự vệ khi gặp nguy hiểm hoặc xếp vào một rãnh nằm ở phía dưới mắt. Phần trán giữa hai mắt cong lồi. Lỗ mang hẹp, màng mang dính với eo mang.
Thân ngắn, dẹp bên. Vẩy rất nhỏ, rất khó thấy bằng mắt thường, đường bên hoàn toàn nằm trên trục giữa thân, kéo dài từ mép trên lỗ mang và ngang qua điểm giữa gốc vi đuôi. Các tia vi đơn mềm dẻo, vi đuôi chẻ hai rãnh, chẻ sâu hơn nữa chiều dài vi đuôi.
Ở cá thể nhỏ có từ 5 – 9 vạch đen vắt ngang thân, vạch nằm ở gốc vi đuôi rộng hơn các vạch khác. Ở cá thể lớn các vệt này biến mất, chỉ còn một sọc ở gốc vi đuôi. Thân cá thể lớn có màu xám xanh, mặt lưng và mặt bên đậm hơn mặt bụng. Vùng quanh mắt, má có màu vàng cam. Các vi có màu đỏ cam đến màu đỏ huyết, vi lưng, vi hậu môn có màu đậm hơn vi ngực và vi bụng.
Thức ăn: loài 2 mảnh vỏ, ấu trùng côn trùng.
Phân bố
Trên thế giới cá phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam châu Á, các lưu vực của sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Hình 2.2: Sự phân bố cá Nanh Heo (A.F. Poulsen et al, 2004)
Ở Việt nam: Cá Nanh Heo sống, sinh trưởng và phát triển ở sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu của chúng thuộc hệ sống sông Mê Kông. Đây là loài có kích thước nhỏ. Thời gian qua loài này ít được quan tâm nghiên cứu, các tài liệu nói về loài cá này còn rất nghèo nàn cả trên thế giới và trong nước.
Tập tính
Cá thường trú ẩn trong các hốc đá, trụ cầu, thỉnh thoảng cũng bắt gặp cá xuất hiện trong các ao hồ nước tĩnh. Cá thích nghi với các thủy vực nước ngọt có nhiệt độ nước tối ưu để cho cá phát triển 25 - 29oC, pH từ 6,5 - 7,5.
Sinh sản
Cá có sức sinh sản tương đối cao nhất trong nhóm động vật có xương sống.
Cá Nanh Heo đực thường nhỏ hơn và thon dài hơn cá cái.
Cá Nanh Heo cái có tuyến sinh dục phát triển thường có bụng to tròn hơn cá đực.
Hình dạng ngoài cá Nanh Heo đực và cái
Hiện trạng
Trung tâm Giống thủy sản An Giang cùng Khoa Thủy sản trường của ĐH Cần Thơ đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá heo nước ngọt và đang được nuôi thương phẩm ở nhiều địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo luận văn tốt nghiệp đại học của Huỳnh Thành Phát.
2. https://books.google.com.vn/books?id=sZQbV75rtAQC&pg=PA133&lpg=PA133&dq=Botia+modesta+Bleeker,+1865&source=bl&ots=w_9JcVrPRB&sig=V5fgOK09cgIeEiY-w2WOAz07Qxo&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwj167bznprYAhXCnpQKHV15CYE4ChDoAQgyMAI#v=onepage&q=Botia%20modesta%20Bleeker%2C%201865&f=false.