THỦY SẢN

Cá chình bông

Cá chình bông Anguilla marmorata
: Marbled eel
: Anguilla marmorata
: Chình cẩm thạch

Phân loại

Chordata
Anguillidae
Anguilla
Anguilla marmorataQuoy & Gaimard, 1824

Đặc điểm

Thân cá Chình bông có hình trụ dài có vảy xếp dạng hình chiếc chiếu, nhỏ, dạng trái xoan và vây chạy vùng quanh ngực. Đầu tròn, mắt bé, miệng hơi chếch, môi dày, lưỡi tự do không dính vào đáy miệng mút nhọn của mõm và hàm dưới có gờ thịt, răng nhỏ và xếp trên hai hàm và xương khẩu cái thành các dải răng.

Chình bông trưởng thành có màu vàng với màu nâu xanh đến đen trên lưng và bụng màu trắng, con nhỏ có màu hơi xám đến vàng. Chiều dài thân gấp 7 lần chiều dài đầu, gấp 3,5 lần chiều dài trước vây lưng và 2 lần chiều dài vây hậu môn. Chình bông có 2 lỗ mũi, lỗ trước ở phía trước miệng, lỗ sau ở lỗ trước mắt, mũi rất nhỏ khi xuống bùn thì đóng lại để bùn không chui vào. Do tập tính sống ở hang hốc và đáy sông hồ nên mắt nhỏ, và các cơ quan khứu giác, cơ quan đường bên phát triển. Da gồm nhiều biểu bì bài tiết để làm giảm bớt lực cản của nước, tăng tốc độ bơi và giảm ma sát khi chui vào hang, niêm dịch cá tiết ra chất dịch có tác dụng bảo vệ thân cá khi gặp môi trường không thích hợp. Đường bên dọc giữ thân, vây ngực nhỏ gần như hình tròn, không có vây bụng. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi đính liền nhau đều và tương đối phát triển, khoảng cách từ khởi điểm vây lưng đến vây hậu môn lớn hơn từ đó đến khe mang, hậu môn ở nửa trước của thân.

So với các loài cá khác thì tốc độ sinh trưởng của cá Chình bông sống trong tự nhiên được xác định là thấp hơn nhiều so với các loài cá khác, nhưng so sánh với các loài cá khác thuộc giống Anguilla thì Chình bông có tốc độ sinh trưởng cao nhất. Nó có thể đạt kích cỡ chiều dài là 2m đối với cá đực và 1,5m với cá cái và cân nặng có thể đạt đến 20,5 kg do đó nó còn được gọi là Chình khổng lồ, Chình bông có thể sống tới 40 năm.

Phân bố

Trên thế giới Chình bông được tìm thấy vùng Indo-Thái Bình Dương (Nhật Bản, Thái Lan, Indonesias, Philippins, Trung Quốc…) và khu vực đông Châu Phi. Ở Châu Phi có thể tìm thấy trong sông  Mozambique và vùng thấp của sông Zambezi. Cá Chình bông là loài phân bố rộng nhất so với các loài khác cùng thuộc giống Anguilla. Một số vùng nó được liệt kê vào danh sách đỏ của những loài đang bị đe dọa như ở Thái Lan, họ săn lùng Chình bông với mục đích làm dược liệu .

Ở Việt Nam, cá Chình bông phân bố ở Bình Định (Đầm Châu Trúc), Hà Tĩnh (Sông Ngàn Phố), Thừa Thiên Huế (Sông Hương), Gia Lai (Sông Ba), Quảng Ngãi (Sông Trà Khúc), các khu vực khác ở phía Bắc thì rất hiếm.

Khu vực cá Chình bông phân bố nhiều và có ý nghĩa kinh tế trong khai thác tự nhiên tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Theo Vũ Văn Phú (1995) cá Chình bông tập trung nhiều ở khu vực này có thể vì biển ở đây có các dòng hải lưu chạy sát vào bờ tạo điều kiện thuận lợi cho các ấu thể từ vùng biển mà cá đẻ trứng tiếp cận vào sát bờ. Đồng thời khu vực này có nhiều vũng, vịnh, đầm phá nước lợ, là môi trường chuyển tiếp phù hợp cho cá con xâm nhập vào các cửa sông để di chuyển lên các sông, suối, ao, hồ.

Tập tính

Cá Chình bông là loài cá di cư sinh sản, có vòng đời phức tạp, chúng sống ở nước ngọt nhưng đến mùa sinh sản chung di cư ra biển đẻ, nên có sự khác nhau về điều kiện môi trường sống ở các giai đoạn sống khác nhau. Cá Chình ở giai đoạn ấu thể sống trong môi trường nước mặn và lợ sau đó di chuyển dần vào các thủy vực nước ngọt. Cá Chình sống ở nước ngọt nhưng trong thực tế nó có thể sống và phát triển bình thường trong môi trường nước mặn và lợ. Do đó cá Chình là loài rộng muối và chúng có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi của nồng độ muối đột ngột nhờ tác dụng của cơ quan cân bằng áp suất thẩm thấu.

Cá Chình là loài cá nước ấm do đó nó luôn được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt  đới. Cá Chình có thể sinh trưởng và phát triển bình thường khi nhiệt độ nằm trong khoảng 13-30oC. Nhiệt độ cao nhất có thể chịu đựng là 38oC và nhiệt độ thấp nhất có thể chịu đựng từ 1-2oC, nhiệt độ thích hợp nhất cho sự phát triển của cá Chình từ 25-28oC.

Trong tự nhiên cá Chình có thể sống ở môi trường có giá trị pH từ 4-10, pH thích hợp nhất là từ 7 đến 8.5.

Cá Chình bông hàm lượng oxy trong nước yêu cầu phải trên 2mg/l, khi hàm lượng DO không đầy đủ cá kém ăn, sinh trưởng chậm. Thích hợp nhất cho sinh trưởng đó là lớn hơn 5mg/l. Cá Chình Bông có cơ quan hô hấp phụ là da và xoang miệng nên chúng có thể sống một thời gian dài khi ra khỏi môi trường nước mà cơ thể vẫn giữ được một độ ẩm nhất định.

Trong quy trình nuôi, khí CO2 được quan tâm rất lớn. Khí CO2 được hình thành do sự phân giải của các hợp chất hữu cơ, khi hàm lượng CO2 trong nước tăng cao thể hiện sự mất cân bằng giữ các yếu tố môi trường và  kỹ thuật nuôi. Khi thấy cá nổi đầu bơi xung quanh có nghĩa là hàm lượng oxy không đáp ứng đủ nhu cầu hô hấp cho cá và CO2 tăng cao, do đó cần phải có biện pháp xử lý ngay.

Một yếu tố không thể không nhắc đến đối với cá Chình nói chung và Chình bông nói riêng đó là cường độ ánh sáng. Cá Chình là loài sống đáy, chui rúc trong các hang đá, hốc cây, vùi mình xuống bùn cát, các hang hốc dọc các bờ sông lớn. Cá Chình thích bóng tối sợ ánh sáng, ban ngày chúng tìm nơi có ánh sáng yếu để ẩn nấp, ban đêm bơi ra kiếm mồi và di chuyển đi nơi khác. Do đó trong quá trình nuôi phải chú ý điều này tạo điều kiện cho cá sinh trưởng bằng cách tạo các hang hốc cho cá ẩn nấp, tránh cường độ ánh sáng cao.

Đặc điểm dinh dưỡng

Cá Chình bông là loài cá dữ ăn động vật. Thành phần thức ăn của chúng bao gồm những loài trong nhóm động vật như giun ít tơ, thân mềm, chân khớp, cá lưỡng cư và một số loài động vật trên cạn khác. Cá Chình sống trong môi  trường  khác nhau có thành phần thức ăn khác nhau. Cá Chình sống trong sông, suối, ao, hồ ăn cá, côn trùng và giáp xác là chính. Cá Chình sống trong vùng nhiệt đới và biển thành phần thức ăn chủ yếu là giun đốt và cua.

Ở giai đoạn con giống thức ăn chủ yếu là động vật phù du, như Neomysis; Alona…,

Ở giai đoạn trưởng thành thức ăn của chúng là cá, tôm, và các động vật đáy. Chình bông có tính ăn dữ do đó nó có thể ăn thịt đồng loại, rình bắt những con có kích thước nhỏ hơn. Khi kích cỡ đạt dài hơn 20cm không nhận thấy có sự sai khác nhiều về thành phần các sinh vật là thức ăn của chúng, nhưng có sự sai khác nhiều về kích cỡ của loại thức ăn.

Thức ăn của Chình bông phải đảm bảo protêin là 45%, lipid chiếm 3%, cellulose 1%, calci 2,5%, phosphor 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ  bột cá chiếm khoảng 70-75%, tinh bột 20-25% và một ít vi lượng, vitamin.

Sinh sản

Hiện trạng

Trong vài năm gần đây, nghề nuôi cá Chình đang được phát triển mạnh tại các địa phương như Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Phú Yên, Quảng Trị, Bạc Liêu, Sóc Trăng.... với ba hình thức nuôi phổ biến, bao gồm nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng và nuôi lồng trong hồ chứa. Đối tượng được nuôi chủ yếu là cá Chình Bông (A. marmorata), cá Chình Mun (A.bicolor pacifica) được khai thác từ tự nhiên. Trong đó, chình bông được nuôi nhiều vì có giá trị kinh tế cao và tốc độ sinh trưởng nhanh. Thức ăn sử dụng trong nuôi cá Chình chủ yếu là cá tạp.

Năm 2001, tại Phú Yên, cá Chình được nuôi trong lồng trên sông, thời kỳ cao điểm có trên 200 lồng, bao gồm cá Chình Bông, cá Chình Mun. Tuy nhiên do nắng hạn kéo dài cá bị chết hàng loạt làm thiệt hại lớn về kinh tế nên đến tháng 12 năm 2001 Phú Yên chỉ còn khoảng 20 – 30 lồng nuôi.

Với hình thức nuôi trong ao đất, số lượng cá thả lúc đầu là 120.000 – 150.000 con/ha, cỡ từ 10 – 15 g/con. Lượng thức ăn hàng ngày bằng 3% trọng lượng cá trong ao. Nuôi trong ao đất không cần phân cỡ như trong bể xây, năng suất trung bình là 20 – 25 tấn/ha,với giá thị trường là 250.000 – 320.000 đồng/kg.

Gần đây, người dân cũng áp dụng hình thức nuôi trong bể xi măng hoặc trong bể xây bằng gạch với điều kiện: phải có dòng nước chảy, với mật độ 20 – 25 con/m2 , năng suất có thể đạt được 30 – 35 (tấn/ha ) (tức 3 – 4,5 kg/m2).

Tại Bình Ðịnh, cá Chình được nuôi nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng ở Đập Đá, Tây Sơn, Phù Mỹ, Bồng Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, với 3 loại chình: chình bông và chình mun, chình nhọn (sống nhiều ở Đầm Trà Ổ thuộc huyện Phù Mỹ). Tại An Lão, người dân nuôi cá chình trong ao đất với mật độ 6 con/m2, cỡ giống thả ban đầu 300g/con, sau thời gian nuôi 10 tháng, cá đạt kích cỡ thương phẩm 1kg/con.

Cá chình thương phẩm ngoài tiêu thụ nội địa, chủ yếu để xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan,…

Tài liệu tham khảo
  1. Nguyễn Văn Toàn, 2002. Danh mục các loài nuôi biển và nước lợ Việt Nam. SUMA
  2. TL Khuyến Ngư. Trung tâm Khuyến ngư & NCƯDKTTS Bình Định

17/02/2014