Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Kỹ thuật nuôi lươn không bùn

Ngô Tuấn Tính - Trung tâm Khuyến nông An Giang

Nuôi lươn không bùn bằng giá thể vĩ tre, mật độ cao là cách thức nuôi mới không sử dụng đất như nuôi trước đây do nguồn đất bố trí vào bể với khối lượng lớn, giá đất cũng tương đối cao và ngày càng khan hiếm nhưng chỉ sử dụng 1 đến 2 vụ là không còn sử dụng được nữa cho các vụ nuôi tiếp theo. Việc nuôi theo mô hình này sẽ tiết kiệm được chi phí mua đất, nhân công chăm sóc và kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, giúp hạ giá thành cho sản phẩm.

Kết cấu bể nuôi: Bể nuôi có diện tích từ 4-6m2, hình chữ nhật hoặc hình vuông, được xây bằng xi măng, thành tường dày 1 tấc. Bố trí 2 ống cấp và thoát nước nằm đối diện ở 2 góc của bể, riêng ống cấp có đường kính 42mm được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp oxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước. Ông thoát có đường kính 114mm có thiết kế chung để xả tràn và xả cặn cho đáy bể. Đáy bể được lát bằng gạch tàu (30X30cm2), xung quang thành bể cũng được lát bằng gạch tàu nhưng chỉ lát 1 viên xung quanh đáy bể. Dới đáy bể được gắn 4 khoen ở gần 4 gốc để cố định bộ vĩ tre dùng để cho lươn trú ẩn.

Bộ vĩ tre: Tre làm vĩ phải được vuốt láng và ngâm cho đóng rong rêu giảm ma sát tránh cho lươn bị trầy xước. Bộ vĩ tre gồm 3 lớp xếp chồng lên nhau, khoảng cách giữa các vĩ 10cm, bộ vĩ được đặt giữa bể cách dáy dể 10cm và cách đều 4 vách của bể 30cm.

Cỡ giống và mật độ thả: Con giống có thể nuôi con giống bán nhân tạo hoặc con giống tự nhiên, nếu nuôi bằng con giống tự nhiên phải được thuần dưỡng cho đến khi hết hao hụt mới bố trí vào bể nuôi, kích cỡ phải đồng đều khoảng 40-50con/kg, mật độ thả nuôi 150con/m2.

Thức ăn: Thức ăn cho lươn ăn được phối trộn theo tỷ lệ 7:3 giữa 2 nguyên liệu chính là đầu cá, ruột cá, ốc xay nhuyễn…với cám viên của cá có vảy không sử dụng cám viên của cá da trơn vì trong cám viên của cá da trơn có nhiều lipit lươn ăn vào cơ thể sẽ tích lũy nhiều mỡ dễ xảy ra bệnh. Không dùng chất kết dính bột keo hay bột gòn để phối trộn thức ăn vì việc phối trộn cám viên với các nguyên liệu khác có tác dụng hút nước có trong đầu cá, ruột cá, ốc…đồng thời trong cám viên có tinh bột gặp nước trong đầu cá, ruột cá sẽ tạo ra độ sánh làm dẽo hỗn hợp thức ăn do đó không sử dụng chất kết dính trong chế biến thức ăn. Cách phối trộn thức ăn như thế này sẽ làm tăng khả năng bắt mồi của lươn, hạn chế chất cặn bả trong  bể nuôi.

Chế độ chăm sóc: Trong 2 tháng đầu cho ăn 1 lần/ngày, sau 2 tháng cho ăn 2 lần/ngày, sáng 7 giờ, chiều 17 giờ. Sau khi cho ăn 2 giờ tiến hành thay nước toàn bộ bể lươn để loại bỏ thức ăn thừa và chất cặn bả của lươn. Lươn thả nuôi sau 1 tháng rưỡi tiến hành phân loại lươn lớn lươn nhỏ nhằm tránh cho lươn ăn nhau làm cho lươn bị xay xác dễ gây ra bệnh và so le đàn.

Dịch bệnh trên lươn: Trong quá trình nuôi lươn chủ yếu mắc 3 bệnh chủ yếu:

Bệnh giun sán: Lươn là loài ăn tạp, thức ăn là cá tạp có nhiều giun sán do đó trong quá tình nuôi định kỳ tẩy giun 15 ngày/lần bằng cách trộn thuốc trị nội ngoại ký sinh vào trong thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bệnh đường ruột: Triệu chứng phân lươn nổi trên mặt nước trước 5-7 ngày do trong thức ăn có chất bảo quản, lươn tiêu hóa thức ăn không được tốt, gặp trường hợp này chỉ bổ sung men tiêu hóa vào trong thức ăn chứ tuyệt đối không sử dụng kháng sinh hoặc hóa chất để can thiệp.

Bệnh nấm: Trên da lươn có các đóm trắng dạng bông gòn do lươn bị xay xác trong quá trình nuôi, nấm tấn công trên các vết trầy xước làm bệnh phát sinh. Gặp trường hợp này chỉ xử dụng Ioddine tắm lươn, tuyệt đối không sử dụng BKC để tắm lươn vì BKC sẽ làm cho lươn bị bông nhớt.

Thu hoạch, vận chuyển: Lươn nuôi 6-7 tháng sẽ đạt kích cỡ thương phẩm 200-250gam/con tiến hành thu hoạch rút hết nước bắt lươn rữa sạch cho vào khênh tre có lót cau su dày bên trong mỗi khênh chứa khoảng 15-20kg lươn thương phẩm cho nước vào cách miệng khênh 2 tấc, dùng lưới lỗ bịt kín miệng khênh và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. 

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Đặc điểm sinh học Lươn đồng - Monopterus albus
  1. Kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo bằng thức ăn viên
  2. Kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  3. Kỹ thuật cơ bản cần lưu ý khi nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn viên công nghiệp
  4. Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà
  5. Kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt với con giống nhân tạo sử dụng nước ngầm
  6. Kinh nghiệm sinh sản giống lươn đồng
  7. Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm
  8. Kỹ thuật ương nuôi lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  9. Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt
  10. Phòng trị bệnh cho lươn