Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo bằng thức ăn viên

Mỹ Ngọc

Hiện nay, nghề nuôi lươn đã không còn phụ thuộc vào con giống tự nhiên và thức ăn là cá tạp xay do quy trình sản xuất lươn giống ngày càng được hoàn thiện.

Bài viết dưới đây giới thiệu về kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo bằng thức ăn viên.

1. Nuôi vỗ lươn bố mẹ

Chuẩn bị bể nuôi vỗ

Bể hình chữ nhật (ngang: 4 m x dài: 10 - 20 m), chiều cao thành bể từ 0,8 - 1,0 m, lót bạt trong bể. Dùng đất sét xếp bên trong vòng quanh thành bể, độ dày đất 0,4 - 0,5 m. Diện tích đất chiếm 50% diện tích bể (giữa bể không cho đất). Cấp nước vào bể, khống chế độ sâu của nước khoảng 30 - 40 cm (đất cao hơn mặt nước trong bể khoảng 10 – 15 cm). Bể có ống nước cấp vào và ống nước thoát ra (bố trí ống nước cấp vào và ống nước thoát ra đối diện nhau. Mặt bể có thể thả ít lục bình.


Bể nuôi vỗ lương bố mẹ.

Lươn 10 -12 tháng tuổi có thể chọn để nuôi vỗ cho sinh sản (có thể chọn lươn nuôi hay lươn tự nhiên). Chọn lươn 150 – 200 g/con, khỏe mạnh, không bị xây sát. Lươn nuôi vỗ khoảng 2 - 3 tháng trong bể lót bạt trước khi cho sinh sản.

Mật độ nuôi vỗ lươn bố mẹ

10 con/m2 bể. Tỉ lệ đực:cái là 1:1.

Cho ăn

Cho lươn ăn 01 lần/ngày với các loại thức ăn như: trùn quế, tép, ốc, cá băm nhỏ,… hoặc thức ăn viên 35-40% đạm, lượng thức ăn khoảng 1% khối lượng thân. Theo dõi chất lượng nước của bể để thay cho phù hợp.  

2. Theo dõi lươn đẻ tự nhiên

Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang và nhả bọt rất nhiều lên miệng hang. Khi thấy có tổ bọt xuất hiện trên miệng hang và tổ bọt lớn dần từ chiều tối hôm trước thì đến sáng hôm sau lươn đã đẻ. Bọt do lươn nhả ra có tác dụng bảo vệ trứng, giữ trứng tập trung trong tổ và cung cấp oxy cho trứng. Trứng lươn có màu vàng nhạt, trong suốt, dao động từ 100 đến 1.000 trứng trên 01 ổ. Sáng kiểm tra các tổ bọt và vớt trứng vào ấp.


Lươn mẹ làm tổ bọt để đẻ.

3. Ấp trứng lươn

Dụng cụ ấp trứng lươn có thể là thau, khay... Nhiệt độ ấp dao động từ 28-30ºC, pH 6,5-8, oxy ≥5 mg/l. Nên bố trí hệ thống sục khí trong dụng cụ ấp. Sau thời gian ấp 5 ngày, trứng bắt đầu nở và nở hết sau 2 đến 3 ngày tiếp theo.


Trứng lươn.

Lươn con mới nở chiều dài tối đa 2cm, ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể.

Lươn nở được 5 ngày thì bắt đầu cho ăn trứng nước, trùn chỉ (thức ăn chiếm 6 - 10% trọng lượng thân)

Lươn nở sau 7 ngày cho ăn trùn chỉ.

Sau 10 ngày thì ăn trùn quế băm nhỏ.

Trên 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn thức ăn công nghiệp trộn trùn quế.

4. Ương lươn bột lên lươn giống

Khi lươn được 25 – 30 ngày tuổi, đạt khoảng 5cm, chuyển ra bể để ương thành lươn giống. Mật độ lươn bột thả ương từ 500 – 800con/m2. Lúc này cho ăn thức ăn viên 40 - 42% đạm, khoảng 1% khối lượng thân. Thời điểm này nên cho ăn bổ sung vitamin, khoáng, men vi sinh để tăng cường sức đề kháng cho lươn con.


Lươn con.

Chăm sóc, quản lý

Bố trí dây nilon trong bể ương để lươn trú ẩn. Dây nilon được cột lại thành bó dài 40-50 cm và bố trí chiếm 30-40% diện tích bể. Mức nước trung bình từ 7-10 cm. Định kỳ 4 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế sự cạnh tranh mồi. Tạm ngưng cho ăn 01 ngày trước khi chuyển sang bể nuôi thương phẩm hay xuất bán.

Phòng bệnh

Trong giai đoạn lươn chuyển thức ăn từ trùn chỉ sang loại thức ăn công nghiệp nên bổ sung thêm khoáng, vitamin và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Cần lưu ý khi thay nước không để nhiệt độ nước chênh lệch quá 3ºC. Thường xuyên định kỳ tắm muối với liều lượng 2-3%. Chỉ sử dụng sát khuẩn và kháng sinh khi thật cần thiết (xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn…)

Sau 2 - 3 tháng ương, lươn đạt cỡ từ 100 – 200 con/kg, dài 10 – 15 cm/con thì có thể xuất bán lươn giống hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm.

Trong quá trình thực hiện, hộ dân phải theo dõi ghi chép thật kỹ các nội dung công việc đã thực hiện để làm cơ sở hạch toán hiệu quả kinh tế và rút kinh nghiệm cho vụ nuôi sau được tốt hơn. Có như vậy mới tạo ra được nguồn lươn giống nhân tạo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nuôi.

Tài liệu tham khảo

Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia

Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Đặc điểm sinh học Lươn đồng - Monopterus albus
  1. Kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  2. Kỹ thuật cơ bản cần lưu ý khi nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn viên công nghiệp
  3. Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà
  4. Kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt với con giống nhân tạo sử dụng nước ngầm
  5. Kinh nghiệm sinh sản giống lươn đồng
  6. Kỹ thuật nuôi lươn không bùn
  7. Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm
  8. Kỹ thuật ương nuôi lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  9. Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt
  10. Phòng trị bệnh cho lươn