Kỹ thuật nuôi Tôm sú

Phòng bệnh đốm trắng trên tôm nuôi cần có quy trình phòng trị ngay từ đầu vụ

Văn Hòa - Đài PT-TH Sóc Trăng, 11/12/2015

Kết quả xét nghiệm bệnh trên tôm ở vụ nuôi năm 2015 cho thấy tỉ lệ bệnh hoại tử gan tụy cấp chiếm 20%, bệnh đốm trắng chiếm hơn 52% so với mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm. Tỉ lệ này cho thấy mầm bệnh đốm trắng tồn lưu trong các vùng nuôi Tôm rất lớn, khi nhiệt độ giảm thấp thì bệnh sẽ có cơ hội bùng phát.


Cải tạo ao nuôi tôm phải đúng quy trình để cắt mầm bệnh lưu tồn trong ao

Bệnh đốm trắng xuất hiện rất phổ biến ở hầu hết các vùng nuôi Tôm, năm vừa qua, bệnh phát triển mạnh ở vùng nuôi Tôm của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Bệnh đốm trắng, đỏ thân đốm trắng, đốm trắng đầu vàng có dấu hiệu bùng phát mạnh ở vùng tôm –lúa trong giai đoạn nền nhiệt giảm thấp nên người nuôi hết sức lo lắng. Ông Lê Văn Trọng ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Những năm gần đây tôm nuôi thường bị bệnh đầu vàng đốm trắng, bệnh đốm trắng rất khó trị nên dẫn đến thiệt hại rất lớn cho người nuôi, như Tôm bị chậm lớn, kích cỡ không đều, bán bị mất giá rất nhiều”.

Bệnh đốm trắng trên tôm là do virus, nên khi bùng phát thì khả năng điều trị không hiệu quả, chính vì thế mà phòng ngừa là biện pháp căn cơ để khống chế virus phát triển. Thạc sĩ Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, lưu ý bà con: “Bệnh đầu vàng đốm trắng, bệnh đốm trắng trên tôm là do virus gây ra không có thuốc trị. Biện pháp duy nhất là phòng ngừa, nên bà con cần lưu ý: Trong quá trình cải tạo ao phải theo đúng quy trình từ khâu làm đất đến phơi đáy ao, đến khi thả nuôi thì môi trường nước phải qua xử lý cho sạch, tốt nhất là nên lấy nước từ ao lắng. Con giống phải khỏe mạnh đã qua kiểm dịch; Khi tôm có dấu hiệu bệnh thì nên tăng cường sức đề kháng trong khẩu phần ăn cho tôm. Không nên bắt những con tôm khỏe mạnh trong ao tôm đã bị bệnh, sang thả nuôi chung với ao khác để tránh bệnh lây lan”.

Hiện nay nhiệt độ bắt đầu giảm thấp đến tháng 2 năm 2016, đây là cơ hội cho virus đốm trắng phát triển, do vậy bà con phải hết sức thận trọng từ khâu cải tạo để loại bỏ virus tồn lưu trong ao nuôi, cần có ao lắng để cấp nước cho ao nuôi và thực hiện tốt các biện pháp rào chắn để khống chế vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào ao tôm.

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Tôm sú

Đặc điểm sinh học Tôm sú - Penaeus monodon
  1. Giải pháp tăng năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp
  2. Kỹ thuật nuôi xen ghép tôm sú - cua - cá đối trong rừng ngập mặn
  3. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
  4. Kỹ thuật ương tôm sú trong mô hình nuôi hữu cơ
  5. Kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục và cua
  6. Làm gì để phục hồi đáy ao tôm lâu năm bị “lão hóa”
  7. Kỹ thuật nuôi tôm sú xen cá đối nục
  8. Vèo tôm giống thế nào cho đúng?
  9. Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống
  10. Xu hướng sử dụng hệ thống lắng lọc trong nuôi tôm thâm canh