Kỹ thuật nuôi Tôm sú

Cà Mau: Hướng dẫn khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2016

Năm 2015, diện tích nuôi tôm đạt 267.600 ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp ước đạt 9.400 ha, tôm nuôi QCCT 80.000 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đạt 306.000 tấn. Năm 2015, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và thủy sản Cà Mau nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Sự bất lợi do thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, xâm nhập mặn, mưa bão, lũ lụt; dịch bệnh trên tôm nuôi; giá vật tư đầu vào tăng, giá tôm giảm…gây nhiều thiệt hại cho người dân nuôi tôm. Kế hoạch năm 2016, diện tích nuôi tôm công nghiệp 11.000 ha, QCCT 90.000 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản 335.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 170.000 tấn.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, trên cơ sở nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương về ảnh hưởng của hiện tượng El nino; Đài khí tượng thủy văn Cà Mau về nhận định sơ bộ xu thế thời tiết thủy văn mùa khô năm 2015 -2016 khu vực tỉnh Cà Mau và tham khảo các tài liệu qua tổng kết tình hình nuôi trồng thủy sản nhiều năm, đặc biệt là tình hình dịch bệnh, nắng nóng ảnh hưởng đến tôm nuôi vụ mùa  2014 - 2015.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp các ngành, địa phương liên quan xây dựng Lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau cụ thể như sau:

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN MÙA KHÔ NĂM 2015 – 2016

Nhiệt độ:

Do ảnh hưởng của El Nino cường độ mạnh. 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông 2015 - 2016 và khoảng 85% khả năng sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Nhiệt độ trung bình trong năm có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,50C. Trong những tháng chính mùa đông (tháng 12/2015-2/2016 ) nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (khoảng 23-240C). Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện các đợt tập trung lạnh trong một thời đoạn khoảng 4 – 7 ngày. Đầu tháng 3 nhiệt độ sẽ tăng lên và đỉnh điểm cao nhất vào cuối tháng 4, kéo dài đến đầu tháng 6/2016 với nhiệt độ khoảng 35-370C.

Tình hình mưa:

- Thời kỳ kết thúc mùa mưa: Mùa mưa năm 2015 có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN (trong tháng 11). Do mùa mưa kết thúc sớm nên độ mặn sẽ tăng nhanh, xâm nhập mặn tại các vùng ven biển xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền. Ảnh hưởng đến khả năng thiếu nguồn nước ngọt cấp cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể như sau:

- Các vùng cách biển 25-35km: Từ tháng 12/2015 mặn có khả năng vượt quá 4 g/l, từ tháng 1-2/2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt;

- Các vùng cách biển 45 - 65 km: từ tháng 1/2016 đến tháng 4-5/2016 có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường, mặn sẽ xâm nhập sâu (trong một ngày, đỉnh triều có thể mặn khá cao, nhưng chân triều có thể độ mặn thấp, có thể lấy nước).

- Các vùng cách biển xa hơn 65-70 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần chú ý đề phòng trong các đợt triều cường.

Thuỷ văn:

- Đỉnh triều cao nhất trong năm xuất hiện từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016, tại trạm Năm Căn trên sông Cửa Lớn có khả năng từ 1,55m – 1,65m ở mức xấp xỉ năm 2014, tại trạm Sông Đốc trên sông Ông Đốc từ 0,9m – 1,0m xấp xỉ năm 2014 và trên sông Gành Hào tại thành phố Cà Mau từ 0,8m – 0,9m cao hơn năm 2014. Đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

- Do thời kỳ cuối mùa giảm mưa nên độ mặn nước sông tăng trở lại, tại Cà Mau độ mặn sẽ đạt trung bình 10-12 ‰ vào cuối tháng 11/2014. Từ tháng 12/2014 độ mặn bắt đầu tăng nhanh và tiếp tục tăng đạt trị số cao nhất vào khoảng cuối tháng 4-6/2016 sẽ ở mức trên 32‰.

II. LỊCH THỜI VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NĂM 2016

(Thời gian được tính theo Dương lịch)

1. Nuôi thâm canh, bán thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng:

- Phạm vi áp dụng: Các vùng nuôi nằm trong quy hoạch.

- Số vụ nuôi: Nuôi 01 vụ trong năm đối với tôm sú, nuôi 02 vụ đối với tôm thẻ chân trắng. Thời gian còn lại tập trung cải tạo ao đầm hoặc nuôi luân canh một số đối tượng như cá kèo, cá rô phi, sò huyết, cua… để cải thiện chất lượng ao/đầm nuôi. Đối với những vùng nuôi có điều kiện thích hợp có thể nuôi hai vụ tôm sú trong năm nhưng phải đảm bảo thời gian phơi đáy ao giữa hai vụ nuôi ít nhất 45 ngày.

- Thời gian thả giống:

* Đối với tôm sú:

+ Vụ I: Thời gian thả giống từ  tháng 01 đến tháng 4 năm 2016 (vụ chính trong năm)

+ Vụ II: Thời gian thả giống từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2016 (chỉ nuôi ở các nơi có điều kiện thích hợp).

* Đối với tôm chân trắng:

+ Vụ I:  Thời gian thả giống từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2016

+ Vụ II: Thời gian thả giống từ  tháng 8  đến tháng 10 năm 2016

Lưu ý: Không nên thả giống nuôi ở những nơi có độ mặn thấp hơn 5‰ và trên 30‰. Mật độ thả đối với tôm sú 15-20 con/m2, tôm thẻ 50-70 con/ m2. Hạn chế thả giống vào những thời điểm mưa kéo dài, nắng nóng và độ mặn cao ảnh hưởng tỷ lệ sống của tôm, tôm nuôi chậm lớn, dễ mẫn cảm với một số bệnh như: đục thân, cong thân và các bệnh khác và cần có ao để chứa nước đáp ứng cho mùa khô khi độ mặn lên cao.

2. Nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến:

- Số vụ nuôi: Khuyến cáo nuôi 2 vụ trong năm. Tuy nhiên phải có thời gian phơi đất ít nhất là 45 ngày giữa 2 vụ nuôi.

- Thời gian thả giống:

+ Vụ I: Thời gian thả giống từ  tháng 01 đến tháng 4 năm 2016.

+ Vụ II: Thời gian thả giống từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2016.

3. Nuôi tôm theo hình thức quảng canh:

- Số vụ nuôi: Thả cắt vụ để có thời gian cải tạo đất, nên cắt vụ tại thời điểm sên vét ao đầm, phải đảm bảo có thời gian phơi đầm từ 15 – 30 ngày.

- Thời gian thả giống:  Từ đầu tháng 01 đến hết tháng 7 và từ giữa tháng 10 đến hết tháng 12.

- Thả giống gối vụ: Sau khoảng 30 - 45 ngày/lần.

Lưu ý:  Không thả giống khi độ mặn và nhiệt độ trong nước cao; vào thời gian sên vét, cải tạo ao đầm, vì đối với hình thức nuôi này phụ thuộc và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước trên các sông rạch; chủ động đắp bờ cao giữ nước có độ sâu trảng trên 0,5 m.

4. Nuôi tôm kết hợp với rừng:

- Phạm vi áp dụng: Ở những nơi có rừng ngập mặn được cho phép kết hợp với nuôi tôm.

- Số vụ nuôi:  Nuôi quanh năm.

Lưu ý: Một năm phơi đầm một lần thời gian 7-10 ngày ( nếu thời gian phơi đầm dài sẽ ảnh hưởng đến rừng).

- Thời gian thả giống:  Từ tháng 11 năm trước đến  tháng 7 năm sau.

- Thả giống gối vụ: Sau khoảng 30 - 45 ngày/lần.

- Chọn giống: Nên thả giống kích thước lớn.

Lưu ý: Nên đắp bờ bao lớn, cao chống triều cường.

5. Nuôi tôm kết hợp với trồng lúa:

- Phạm vi áp dụng:  Vùng nuôi nằm trong vùng được phép nuôi tôm của tỉnh.

- Số vụ nuôi: 01 vụ/năm.

- Thời gian thả giống:  Từ tháng 01 đến tháng 4.

- Chọn giống: nên thả giống kích thước lớn.

Lưu ý: Khuyến cáo nên có khu ương giống trước khi thu hoạch lúa để tranh thủ mùa vụ; nên làm bờ bao giữ nước đảm bảo mức nước trên trảng trên 0,5 m; hạn chế thả giống vào những thời điểm nắng nóng và độ mặn cao ảnh hưởng tỷ lệ sống của tôm, tôm nuôi chậm lớn, dễ mẫn cảm với một số bệnh vào thời điểm trồng lúa nên tranh thủ thả nuôi bổ sung các loại cá nước ngọt, tôm càng xanh,…

6. Đối với các đối tượng nuôi khác:

Đối với các đối tượng nuôi nước ngọt như cá chình, cá bống tượng,  cá rô, cá lóc… khuyến cáo thời gian thả giống vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 đến tháng 6/2016) nhằm chủ động nước. Riêng cá sặc rằn nên chủ động nguồn nước và thả giống trước tết âm lịch (tháng 2/2016) để sớm chủ động thu hoạch được giá.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chi cục Nuôi trồng thủy sản:

- Phối hợp Chi cục Thú y, Chi cục QLCL, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố, UBND xã và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh truyền hình, Báo Cà Mau, trang web Sở Nông nghiệp &PTNT…) về lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2016.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường các biện pháp quản lý môi trường, quan trắc, cảnh báo kịp thời cho người dân.

- Khi có xuất hiện các yếu tố tác động ảnh hưởng đến mùa vụ, đối tượng nuôi thì tham mưu cho Sở để điều chỉnh Lịch thời vụ kịp thời.

2. Chi cục thú y:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng khuyến cáo cho người dân thả giống nuôi đúng lịch mùa vụ nhằm hạn chế dịch bệnh.

- Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát lây lan.

3. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư:

- Lồng ghép lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản năm 2016 vào các lớp tập huấn, chương trình hội thảo, Bạn nhà nông… để tuyên truyền sâu rộng đến người dân.

- Tổ chức hướng dẫn cho người dân các biện pháp cải tạo ao đầm  và quy trình kỹ thuật nuôi; các biện pháp tăng cường sức đề kháng cho thuỷ sản nuôi bằng cách bổ sung các Vitamine, khoáng vi lượng… trong thời điểm môi trường nuôi bất lợi.

4. Phòng Nông nghiệp &PTNT các huyện, phòng kinh tế thành phố:

Căn cứ Lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2016, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng vùng sản xuất của địa phương mình, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và thả giống đúng khung thời vụ theo từng hình thức sản xuất đã khuyến cáo, đồng thời báo cáo thường xuyên tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản của của địa phương để kịp thời tổng hợp tham mưu báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và thông báo rộng rãi Lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giúp nông dân tỉnh nhà sản xuất đạt hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo

Công văn số: 97/HD-SNN ngày 16 tháng 11 năm 2015 Về việc khung lịch thời vụ NTTS năm 2016  

Kỹ thuật nuôi Tôm sú

Đặc điểm sinh học Tôm sú - Penaeus monodon
  1. Giải pháp tăng năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp
  2. Kỹ thuật nuôi xen ghép tôm sú - cua - cá đối trong rừng ngập mặn
  3. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
  4. Kỹ thuật ương tôm sú trong mô hình nuôi hữu cơ
  5. Kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục và cua
  6. Làm gì để phục hồi đáy ao tôm lâu năm bị “lão hóa”
  7. Kỹ thuật nuôi tôm sú xen cá đối nục
  8. Vèo tôm giống thế nào cho đúng?
  9. Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống
  10. Xu hướng sử dụng hệ thống lắng lọc trong nuôi tôm thâm canh