Kỹ thuật nuôi Tôm thẻ chân trắng

Công nghệ ozone cho nuôi tôm

Nimda TH

Lợi ích của Ozone trong nuôi trồng thủy sản

Ozone là chất khí có công thức hóa học là O3 có khả năng ôxy hóa cực mạnh, tốc độ diệt khuẩn cao gấp 3.100 lần so với Clo.

Khả năng khử trùng của O3 khá rộng, chúng có thể xử lý cả vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Tuy nhiên, O3 lại là chất không bền vững, phân hủy rất nhanh trong không khí và nước để tạo thành ôxy phân tử nên khi sử dụng tôm cá ít bị ảnh hưởng. Ngoài ra, O3 còn có khả năng làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan…
Ozone được dùng trong nuôi trồng thủy sản với những công dụng chính như:

• Tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh, khử màu các chất vô cơ và hữu cơ;

• Khử mùi hóa chất có trong nước, mùi chất hữu cơ lên men hôi thối, mùi tanh của động vật thủy sản;

• Tăng nhanh môi trường ôxy hóa giúp môi trường nước không còn ô nhiễm;

• Tăng tốc độ sinh trưởng, diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ trong nước;

• Tăng hiệu suất sử dụng thức ăn của tôm nuôi;

• Sát khuẩn; tiêu độc; làm sạch; điều chỉnh độ pH;

• Hạn chế thay nước, giúp tránh rủi ro do mầm bệnh từ ngoài đưa vào;

• Giúp giảm lượng khí NH3, H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí ôxy hòa tan;

• Giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác.

Việc sử dụng khí O3 trong nuôi trồng thủy sản đã được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ… Tuy nhiên, công nghệ O3 chưa được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam bởi công nghệ này có giá bán rất đắt (Một máy ozone có công suất 3 - 4g O3/giờ (xử lý 3 m3 nước/giờ) lắp ráp tại Mỹ để dùng cho một trại tôm giống có quy mô trung bình 10 - 15 bể, có giá bán khoảng 10.000 USD, loại công suất 5 g O3/giờ là 12.000 USD.

Các ứng dụng trên tôm

Sản xuất tôm giống

O3 hoàn toàn có thể thay thế Chlorine dùng để khử trùng trại giống và xử lý nước trong các bể ương nuôi. Theo Thạch Thanh và cộng sự (2003), ozone hoàn toàn có thể thay thế Chlorine trong xử lý nước  trước khi thả ương ấu trùng.

Lưu ý khi sử dụng: cần phải được lắng lọc kỹ trước khi xử lý. Nếu nước biển có độ đục cao thì có thể kết hợp O3 với Chlorine liều nhẹ (7 - 15 ppm) để làm trong nước nhanh và khử trùng hiệu quả.

Sử dụng O3 xử lý nước có thể thay thế hóa chất, kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt, ấu trùng tôm cá phát triển nhanh, đồng đều, nâng cao chất lượng con giống.

Ozone còn ứng dụng xử lý nước bể đang ương ấu trùng bằng cách, kết hợp Ozone với bộ tách đạm trong hệ thống tuần hoàn và xử lý định kỳ 1 - 2 ngày/lần trực tiếp vào bể ương ấu trùng. Mục đích duy trì chất lượng nước nhờ khả năng ôxy hóa các chất thải của tôm và thức ăn dư thừa trong bể ương đồng thời hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.

Ngoài việc khử trùng nước, ozone cũng được dùng để khử trùng không gian trong trại giúp hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh trong không khí trên bề mặt bể ương nuôi.

Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III đã áp dụng thành công công nghệ ozone xử lý nguồn nước đầu vào và công nghệ sinh học trong suốt quá trình sản xuất tôm giống cho kết quả khả quan, tôm post to và khỏe hơn so với phương pháp truyền thống. Thực tế thử nghiệm tại Đại học Cần Thơ cũng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước trong sản xuất tôm giống được cải thiện rõ rệt. Ấu trùng tôm chuyển giai đoạn đồng loạt hơn.

Nuôi vỗ tôm mẹ

Trong nuôi tôm, cá bố mẹ, O3 xử lý nước giúp hạn chế được dịch bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.

Tuy nhiên, ứng dụng ozone trong nuôi vỗ tôm mẹ đến nay vẫn chưa được phổ biến mà mới chỉ dừng ở các thử nghiệm. Tại trại sản xuất tôm giống thực nghiệm của Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ bước đầu cho thấy trên sử dụng O3 để xử lý các bệnh trên tôm bố mẹ như ký sinh trùng, mòn đuôi, hoại tử, đen mang so với sử dụng hóa chất (formaline…) có kết quả tốt hơn. Tôm mẹ nuôi vỗ có xử lý ozone cũng có biểu hiện bên ngoài rất tốt so với tôm nuôi vỗ thông thường.

Nuôi tôm thương phẩm

Đối với nuôi tôm thương phẩm, O3 làm tăng lượng ôxy hòa tan, phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và hạn chế tối đa việc thay nước. Có thể đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi khí nhằm tạo ra bọt khí O3 nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc và thời gian lơ lửng trong nước giúp sát trùng được hiệu quả.

Tuy nhiên, do giá thành máy cao, việc ứng dụng ozone chỉ có thể thực hiện trong hình thức nuôi tôm công nghiệp. Xử lý nước ao nuôi tôm thịt có thể tiến hành một cách có hiệu quả bằng cách đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi Ventury dùng trong ao tôm (còn gọi là máy ôxy nhủi hay máy hỏa tiễn). Nguyên tắc chung là phải tạo bọt khí ozone càng nhỏ càng tốt để tăng hiệu quả tiếp xúc và lơ lửng trong nước. Một máy ozone 4 g/giờ được thiết kế để sục cho 2.500 m3 nước ao nuôi tôm công nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu khoa học đầy đủ cho việc ứng dụng ozone trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tại Thái Lan, một số thử nghiệm ban đầu cho thấy khi sục ozone vào ao nuôi tôm biển ở mức 0,1 - 2 ppm trong khoảng thời gian 18 giờ/ngày, sẽ làm giảm tổng số vi khuẩn, giảm hàm lượng khí độc NO2- và NO3- trong nước ao và tăng trọng của tôm nuôi tỷ lệ thuận với liều lượng ozone sục vào ao.

Tài liệu tham khảo

Contom.vn

Kỹ thuật nuôi Tôm thẻ chân trắng

Đặc điểm sinh học Tôm thẻ chân trắng - Litopenaeus vannamei
  1. Kinh nghiệm lựa chọn tôm giống chất lượng
  2. Kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn
  3. Hướng dẫn bảo quản nguyên liệu tôm sau thu hoạch bằng nước đá
  4. Kỹ thuật nuôi tôm trong bể nổi
  5. Những sai lầm kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng
  6. Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông trong nhà bạt
  7. Một số quy trình xử lý nước thải nuôi tôm
  8. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên 1,1ha
  9. Quản lý bệnh vểnh mang ( Soldier Cap Disorder) trên tôm
  10. Tập tính ăn lọc của cá rô phi và phương pháp nuôi kết hợp cá rô phi với tôm