Kỹ thuật nuôi Cá rô phi vằn

Kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm

Dương Nhựt Long

Hình : Cá rô phi trong ao nuôi

1. Điều kiện ao nuôi:

- Ao nuôi cá Rô phi tốt nhất có diện tích 1000 ÷ 2000m2. Không cớm rợp, không có nguồn nước ô nhiễm chảy vào, gần nguồn nước cấp, tiện thoát nước.

- Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, bờ cao hơn mức nước cao nhất >50cm.

- Ao có lớp bùn 15 ÷ 20cm.

- pH 6,8 ÷ 8,

- Hàm lượng ô xy hòa tan ≥ 3mgO2/lít.

- Mức nước trong ao ≥ 1,5m

- Nếu ao nuôi bán thâm canh nhất thiết phải có máy quạt nước, sục khí...


2. Chuẩn bị ao:

- Làm cạn ao thu hết cá tạp, cá cũ (đặc biệt chú ý ao đã nuôi cá rô phi), vét bớt bùn đáy, lấp hết hang hốc, rò rỉ. tu sửa bờ...

- Dùng vôi cải tạo đáy ao và khử trùng với liều lượng 7 ÷ 10 kg/100m2.

- Bón lót: Dùng phân chuồng ủ mục rải khắp đáy ao với liều lượng 10 ÷ 15kg/100m2, phân xanh 10 ÷ 15 kg/100m2.

- Lọc nước:

+ Sau khi phơi ao 3 ÷ 5 ngày sau đó lọc nước vào ao, lọc nước vào ao qua lưới có kích thước mắt lưới 100 mắt/cm2.

+ Nước lọc vào ao 80 ÷ 100cm thì thả cá.

- Thả cá:

+ Mật độ thả: 2 ÷3 con/m2, nếu nuôi thâm canh thả 5 ÷ 7 con/m2.

+ Tiêu chuẩn cá thả: Đồng đều, không dị tật, không nhiễm bệnh, cá có màu sắc tự nhiên, không mất nhớt, tỷ lệ đơn tính đực ≥ 95%.

+ Cỡ cá thả 2g/con.

+ Mùa vụ thả giống: Mùa vụ thả giống từ tháng 3 đến tháng 10.

- Chăm sóc, quản lý:

+ Thường xuyên duy trì màu nước cho ao nuôi bằng cách bón phân chuồng ủ mục 1 tuần 2 lần với liều lượng 7 ÷ 10kg/100m2 và phân xanh 1 tuần 1 lần với liều lượng 10 ÷ 15kg/100m2.

+ Dùng thức ăn tự chế biến hoặc thức ăn công nghiệp cho cá ăn ngày 2 lần sáng và chiều mát với liều lượng:

= Tháng thứ nhất: Dùng cám công nghiệp (tháng hao hụt đầu con lớn nhất) cho cá ăn với lượng 5 ÷ 7% trọng lượng quần đàn trong ao.

= Tháng thứ hai: Khi cá đạt cỡ 100 g/con cho cá ăn bằng thức ăn tự chế biến nhằm giảm giá thành. Ngày cho cá ăn 2 lần, lượng thức ăn cho ăn hàng ngày 3 ÷ 4% trọng lượng cá trong ao.

= Tháng thứ ba trở đi cho cá ăn 2 ÷ 3% trọng lượng cá trong ao

+ Quản lý: Hàng ngày thăm ao vào buổi sáng sớm phát hiện kịp thời cá trường hợp cá nổi đầu, thiếu ô xy, màu nước quá đặc, cá bị bệnh....

- Thu hoạch:

Nuôi thời gian 6 tháng khi cá đạt cỡ > 500g/con thì tiến hành thu hoạch.
Thực hiện đúng các khâu kỹ thuật tỷ lệ sống của cá đạt 80%.


3. Giải pháp an toàn khi nuôi cá Rô phi:

a. Giải pháp về giống:

- Mua cá giống tại các địa chỉ tin cậy (không mua cá bán rong chưa rõ địa chỉ, không biết nguồn gốc), không nghe khuyến cáo nuôi thử của người khác.

- Ương từ cá 21 ngày tuổi lên cá giống chi phí giống giảm 30%.

- Ao đã nuôi cá Rô phi cần tẩy kỹ tránh còn trứng cá sót lại.

- Nước lọc vào ao phải lọc kỹ qua lưới tránh trứng và cá rô bột ngoài tự nhiên theo vào ao.

- Nuôi đúng mật độ theo quy trình kỹ thuật.

- Đầu mùa khi nhiệt độ còn thấp phải làm sạch môi trường trước khi thả (dùng BiO, EM), khi đóng cá vào bao cho thêm 1 viên thuốc phòng lao để sát trùng.

- Mùa hè thả cá tránh nhiệt độ trong bao và ngoài ao chênh lệch quá cao.

- Tắm cho cá trước khi thả bằng dung dịch muối ăn với nồng độ 2 ÷ 3% trong thời gian 5 ÷ 10 phút.

b. Giải pháp về thức ăn:

- Tận dụng các nguồn thức ăn, phân bón sẵn có của từng gia đình.

- Nuôi ghép để tận dụng hết nguồn thức ăn tự nhiên.

- Cho cá Rô phi ăn thêm thức ăn xanh như bèo tấm, bèo hoa dâu.

- Tự chế biến thức ăn nhằm giảm giá thành. Có thể áp dụng các công thức chế biến thác ăn như sau:

+  Bột cá nhạt 45%, bột ngô 31%, bã bia 19%, tinh bột 5%

+  Bột cá nhạt 23%, cám gạo 77%.

+  Cám gạo 70%, ốc băm nhỏ 30%.

+ Bột cá 10%, khô dầu 15%, ngô 17%, đỗ tương 12%, cám gạo 40%, sắn 5%, vitamin 1%.

Các thành phần thức ăn trên nghiền nhỏ trộn đều đưa vào máy đùn ép thành dạng sợi phơi khô cho cá ăn hoặc dùng cá tươi (10 ÷15%) nấu chín vớt ra nghiền nhỏ nấu với ngô nghiền cho cá ăn.

c. Giải pháp về môi trường:

- Nuôi đúng mật độ.

- Dùng vôi tôi (Ca(OH)2 hòa loãng té khắp ao, định kỳ tháng 1 ÷ 2 lần với lượng 2kg/100m3 đặc biệt ngay sau đợt mưa rào lớn.

-  Sử dụng vi sinh (EM, BiO...) định kỳ tạt xuống ao để ổn định môi trường (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

-  Không sử dụng phân tươi bón xuống ao, không cho cá ăn thức ăn mốc, thối....
- Cho cá ăn hàng ngày đảm bảo đủ lượng và chất (không thừa để tránh lãng phí và ô nhiễm).

- Định kỳ thay nước cho ao, thay đột xuất khi màu nước quá đậm hoặc mùi nước tanh, ao có nhiều bọt vào buổi sáng, cá nổi đầu....

- Khắc phục tình trạng cá chết về mùa đông:

+ Cá chết vào mùa đông đại đa số không hẳn phải do cá chết vì nhiệt độ thấp mà đa số do cá chết vì mắc bệnh trong mùa đông. Vào mùa đông cá Rô phi thường mắc bệnh nấm Thủy mi (như túm bông), bệnh Trùng bánh xe ... Dùng sunfat đồng (CuSO4) hòa loãng té khắp ao với liều lượng 0,05g/m3.

+ Vỗ béo cho cá trước mùa rét trước khoảng 1 tháng.

+ Tăng mực nước trong ao lên trên 2 mét.

+ Khi nhiệt độ xuống dưới 180C thì ngừng cho cá ăn, không bón phân, dùng BiO, EM xử lý nguồn nước.

+ Thả bèo lục bình (bèo tây) 1/3 ao về phía gió bắc.

+ Làm mái che cho ao để tránh gió (nếu có điều kiện), mái che phải cách mặt nước 50cm, sục khí hàng ngày.

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Cá rô phi vằn

Đặc điểm sinh học Cá rô phi vằn - Oreochromis niloticus
  1. Nuôi cá rô phi thương phẩm trong ao ở Hương Sơn
  2. Kỹ thuật nuôi cá rô phi ở đầm nước lợ
  3. Nuôi cá rô phi xuất khẩu ở miền Bắc
  4. Kinh nghiệm nuôi cá rô phi dòng Gift
  5. Công nghệ chọn giống cá rô phi dòng Gift
  6. Bệnh nguy hiểm do vi khuẩn ở cá rô phi và cách trị
  7. Kỹ thuật sản suất giống cá rô phi đơn tính đực
  8. Kỹ thuật nuôi cá rô phi năng suất cao
  9. Bệnh của cá rô phi và biện pháp phòng trị
  10. Kỹ thuật ương nuôi cá rô phi nước ngọt