TIN THỦY SẢN

An Giang: Cần bảo tồn và phát triển các loài thủy sản

Làng bè trên sông Quỳnh Anh

Cuối tháng 10-2015, chúng tôi cùng đoàn thẩm định dự án Quỹ Kuwait xuất phát từ bến tàu Khách sạn Victoria Châu Đốc đi ngược dòng sông Hậu (sông Mê Kông) về phía thượng nguồn tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây.

Trước tiên, chúng tôi cập bến khu nhà nổi chuyên nuôi cá lồng trên sông. Đây là một khu tập trung chuyên nuôi cá lồng bè của trên dưới trăm hộ  dân, cả nhà họ sinh sống cùng lồng cá, đối với họ lồng bè cá là cả một cơ nghiệp. Nhà được chia làm hai phần, phía trong là một phòng để ở, phía ngoài là cửa hàng bán các đồ lưu niệm cũng như các sản phẩm thủ công của dân địa phương, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Một lồng cá tùy theo kích thước lớn nhỏ, một vụ có thể cho sản lượng từ vài tấn đến hàng chục tấn cá các loại. Chi phí nuôi cá, gồm: Tiền đầu tư làm lồng bè và nhà nổi ban đầu, tiền mua cá giống, tiền mua thức ăn cho cá, tiền mua thuốc trị bệnh và tắm cho cá, tiền mua công cụ và máy nghiền thức ăn, máy sục ô-xy cho cá… Một vụ cá nếu nuôi thành công có thể mang lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng cho chủ lồng, còn thất bại cũng lỗ tới vài trăm triệu, vài vụ lỗ là mất tới cả tỷ đồng. Những rủi ro có thể gặp: Không theo dõi để kịp sục ô-xy cho cá đúng lúc làm cá chết, không nắm được các loại bệnh của cá hoặc không biết cách tắm cho cá làm cá lớn chậm hoặc chết, đến vụ thu hoạch không có sẵn đầu ra nên cá rớt giá… Tuy nhiên, người nuôi cá khắc phục bằng cách ký hợp đồng trước với công ty để họ trợ giúp tiền mua thức ăn và chủ động đầu ra. Giá mua cá của công ty bảo đảm người nuôi cá có đủ lãi và nếu trả thấp, người nuôi cá có quyền bán thẳng ra thị trường… hoặc họ sẽ chế biến cá khô, làm cá hộp hoặc sẽ chọn những giống cá có giá trị kinh tế cao như cá bố mẹ đem về ép để sản xuất con giống nuôi… Chúng tôi thấy mô hình này nhân rộng và phát triển rất tốt, vì rõ ràng nuôi cá mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa và khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì luôn sẵn có sông nước.

Chúng tôi thấy một chiếc xuồng có những thiết bị đánh cá bằng xung điện. Khi xuồng của anh ta đến gần, chúng tôi đã lên tiếng đề nghị anh đừng đánh bắt nữa, vì anh có thể bắt được 1 con nhưng giết chết 10 con khác, hơn nữa còn hủy hoại môi sinh, môi trường của dòng sông.... Nhưng tất cả đều vô nghĩa !!! Anh ta vẫn cứ lầm lũi chích điện. Sản phẩm của anh trước mắt chúng tôi là những con cá bé bằng ngón tay đến những con cá to bằng bàn tay... To hay nhỏ, anh ta bắt hết không chừa một con nào!

Người dân địa phương cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, thời điểm này là mùa nước nổi, mực nước cao hơn  bây giờ hàng mét nước, người dân không phải đi chích điện như thế này, mà chỉ cần căng tấm lưới ra cũng bắt được rất nhiều cá, đặc biệt là cá linh, nhưng bây giờ đó chỉ là ước mơ. Một số người dân địa phương bức xúc: Nếu không biết bảo tồn các loài cá hiện có của sông Mê Kông này và với cách khai thác tận diệt bằng chích điện thì chẳng mấy chốc sông này sẽ thành sông chết!  Nó chết một phần vì đầu nguồn họ chặn xây thủy điện nhưng phần nữa là chính chúng ta không biết để bảo tồn, duy trì và phát triển trước thực tế đổi thay của hoàn cảnh.

Lên bờ, chúng tôi đem câu chuyện trên kể lại cho những người khách và nhân viên đang có mặt tại lễ tân khách sạn nghe, họ cho biết chính quyền đã có quy định cấm đánh bắt cá bằng xung điện từ lâu, nhưng hàng ngày vẫn thấy một số người bơi xuồng qua lại đánh bắt cá bằng xung điện ở ngay bờ sông phía trước khách sạn. Chúng tôi chợt nghĩ, trước thách thức to lớn của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng của hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng do nhiệt độ nóng lên của Trái Đất, thách thức của việc tăng dân số và thiếu việc làm... là những vấn đề rất đáng quan tâm và cần có giải pháp hữu hiệu. Song, việc cần làm ngay là thực thi nghiêm túc các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển các loài thủy sản truyền thống sẵn có của dòng sông Mê Kông, trong đó tập trung thực hiện nghiêm các quy định đã có một cách đồng bộ và toàn diện từ khâu tuyên truyền giáo dục đến kiểm tra giám sát việc thực hiện, thậm chí áp dụng các biện pháp cứng rắn để răn đe các trường hợp cố tình vi phạm…

Quỳnh Anh Báo An Giang, 05/11/2015