An Giang: Những mô hình liên kết chuỗi hiệu quả
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang có 6 mô hình liên kết nuôi cá tra giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với nông dân; đảm bảo người nuôi có lời 1.000 - 2.000 đồng/kg và quan trọng hơn, có nhiều người tham gia với những điều kiện cụ thể, để tiến tới sự phát triển chung, hài hòa.
Giao thức ăn, khoán chi phí nuôi
Phương thức đầu tư 100% thức ăn nuôi cá, cộng thêm chi phí cho hộ nông dân đang có 3 doanh nghiệp áp dụng. Từng mô hình liên kết có những điều khoản cụ thể thỏa thuận hai bên, dựa vào điều kiện và năng lực của mỗi bên.
Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Sao Mai (Công ty Sao Mai) liên kết với 6 hộ dân nuôi cá, tổng diện tích 18,06 ha, sản lượng mỗi năm 13.655 tấn. Điều khoản cụ thể: Công ty Sao Mai đầu tư 100% thức ăn cho cá với loại thức ăn của Phước Anh, Con Cò, Việt Thắng theo hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) là 1,57, cộng thêm cho hộ nuôi 4.500 đồng/kg cá tra nguyên liệu. Khi thu hoạch, nông dân giao cá cho Công ty Sao Mai.
Cũng đầu tư 100% thức ăn cho cá nhưng cộng thêm cho hộ nuôi 4.400 đồng/kg cá nguyên liệu, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam liên kết với 1 hộ dân, diện tích 0,72 ha, sản lượng mỗi năm 220 tấn. Thức ăn cho cá được quy định rõ, của chính Công ty sản xuất là loại CP 26,3% đạm, khoán hệ số 1,57. Hộ nuôi đăng ký sản lượng ban đầu, khi thu hoạch nếu sản lượng thiếu phải trả cho Công ty giá 21.000 đồng/kg cá nguyên liệu, nếu cá thừa sẽ được doanh nghiệp trả cho nông dân cũng giá đó.
Còn với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ, đầu tư 100% thức ăn cho cá, loại thức ăn của Việt Thắng 26,28% đạm, khoán hệ số 1,58 và cộng thêm cho hộ nuôi 4.200 đồng/kg cá nguyên liệu. Khi thu hoạch, Công ty mua cá theo giá thị trường. Có 1 hộ liên kết với diện tích 3,35 ha, sản lượng mỗi năm 1.040 tấn
Hỗ trợ chi phí, mua cá giá thị trường
Bên cạnh, có 3 doanh nghiệp khác lại hỗ trợ chi phí nuôi cá, chỉ hỗ trợ chi phí thức ăn hoặc hỗ trợ một phần trong toàn bộ chi phí nuôi cá, sau đó mua cá với nông dân theo giá thị trường.
Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) liên kết với 2 hộ nông dân, diện tích 2,42 ha, sản lượng mỗi năm 700 tấn. Trong đó, Agifish hỗ trợ 100% chi phí thức ăn của Việt Thắng theo giá thị trường thỏa thuận, nông dân chịu lãi suất 1%/tháng. Khi thu hoạch, nông dân giao cá cho Agifish theo giá thị trường thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch.
Cũng hỗ trợ nông dân 100% chi phí thức ăn nuôi cá là Công ty CP Vĩnh Hoàn, liên kết với 3 hộ nông dân với diện tích 33,7 ha, sản lượng mỗi năm 13.790 tấn. Thức ăn cho cá do Vĩnh Hoàn sản xuất, theo giá thị trường thỏa thuận, khoán hệ số FCR là 1,57-1,6. Khi thu hoạch, nông dân giao toàn bộ cá tra Công ty. Sau khi trừ số lượng cá nông dân phải giao theo hệ số thức ăn được khoán, số lượng cá còn lại được Công ty mua theo giá thị trường.
Còn hỗ trợ một phần toàn bộ chi phí nuôi cá là phương thức được Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) thực hiện với 1 hộ nông dân, diện tích 3,16 ha, sản lượng mỗi năm 1.275 tấn. Theo đó, Afiex chịu 55% chi phí nuôi (giống, thức ăn, thuốc…), còn lại 45% nông dân tự lo. Người nuôi sử dụng thức ăn của Afiex với giá thị trường. Khi thu hoạch, cá bán cho Afiex theo giá thị trường, lợi nhuận chia theo tỷ lệ đóng góp, Afiex được hưởng 55%, còn lại 45% là của nông dân.
Ở tỉnh An Giang, ngoài liên kết với các hộ nông dân còn có 49 vùng nuôi cá tra với tổng diện tích 684,25 ha, sản lượng một năm 184.700 tấn của 24 doanh nghiệp. Trong đó, 14 doanh nghiệp trong tỉnh có 563,65 ha, sản lượng hàng năm 154.300 tấn và 10 doanh nghiệp ngoài tỉnh với 89,6 ha, sản lượng 30.400 tấn.