TIN THỦY SẢN

An Giang: Nỗi buồn con hến

Hến đã vào mùa Thanh Tiến

Những tháng cuối năm, khi cơn gió bấc mang cái lạnh về với đồng bằng châu thổ cũng là lúc dân cào hến vào mùa thu hoạch chính trong  năm. Tuy nhiên, do việc đánh bắt tràn lan như hiện nay, những người “trót” gắn bó với con hến, con ốc đang đối diện với nỗi khó khăn chồng chất trong cuộc mưu sinh.

Mưu sinh nhờ ốc, hến

Nghề bà cậu tính ra cũng có vài chục cách mưu sinh, nhưng với dân cào hến thì đó là chuỗi ngày dài ngụp lặn với chén cơm manh áo. Sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ chỉ sống với nghề cào hến, ông Sặc Ri Gia (ngụ ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) không thể nhớ hết những vất vả mình đã trải qua trong đời. “Cha mẹ tôi ngày trước nghèo khổ, chỉ biết lặn lội cào hến mưu sinh. Lớn lên, tôi cũng theo nghề này và các con lại tiếp tục nối nghiệp cha. Cứ thế, 3 thế hệ trong gia đình cứ bám riết với đáy sông tìm hến, mà chẳng có mảnh đất cắm dùi. Hồi trước, nếu cần cù siêng năng thì cả nhà vẫn có thể no cơm ấm áo với con hến, con ốc” - ông Sặc Ri Gia bộc bạch.

Với chiếc xuồng con và cái vợt sờn cũ, ông Gia đã xuôi ngược khắp các kênh rạch xứ Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú để tìm cuộc mưu sinh. “Công việc cào hến ngày trước tuy vất vả nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Tờ mờ sáng, tôi đã mang cơm nước xuống xuồng đi cào hến. Xế trưa là có thể trở về nhà để cân cho bạn hàng. Thông thường cũng kiếm được 50 - 60 kg hến/ngày, nhờ vậy cũng có đồng ra đồng vô” - ông Gia thiệt tình. Tuy nhiên, kiếm được ngần ấy hến không phải điều đơn giản. Khi mùa hến bắt đầu vào tháng 10 âm lịch thì cũng là lúc gió bấc non hiu hiu thổi. Trong cái lạnh đến tím tái da thịt, ông Gia và những bạn cùng nghề phải trầm mình dưới nước tìm từng con hến. “Những lúc ấy, chúng tôi phải cố vượt qua nỗi vất vả để đổi lấy cuộc sống cho gia đình. Dẫu vậy, nếu chịu siêng năng, cần cù thì thiên nhiên cũng không phụ dân cào hến chúng tôi” - ông Gia tâm sự.

Vất vả tìm con hến

Dẫu biết nghề trầm thủy lắm gian nan nhưng một khi thiên nhiên còn hào phóng thì những ngư dân trót làm “cháu bà cậu” cũng có thể mưu sinh. Tuy nhiên, việc tìm con hến gặp không ít khó khăn. Những đứa con của ông Gia dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể sống được với nghề nghiệp của gia đình. “Sấp nhỏ chỉ kiếm được khoảng 20 kg hến/ngày thì làm sao đủ nuôi gia đình. Mấy đứa con trai của tôi đều bỏ nghề đi Bình Dương tìm việc, chứ không thể tiếp tục lặn lội cùng sông nước. Bây giờ người ta rủ nhau đi cào nhiều quá khiến nguồn hến cũng cạn kiệt dần” - ông Gia cho hay.

Là “đồng nghiệp” của ông Sặc Ri Gia nên anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) cũng không dễ dàng trong việc tìm con hến. “Đội cào hến” của anh có đến 5 -7 chiếc ghe từng “tung hoành” khắp các dòng kênh trong tỉnh hay những cánh đồng xa tận biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp). “Lúc trước, cào hến dễ kiếm ăn lắm. Mỗi ngày, anh em trong xóm kiếm trên trăm ngàn đồng, đủ trang trải chi phí cho gia đình. Mấy năm nay công việc vất vả hơn, lặn hết hơi mà chỉ được 30 - 40 kg/ngày, do đó nhiều lò luộc hến ở xóm tôi cũng tắt lửa từ lâu” - anh Hùng chia sẻ.

Vốn là bạn hàng thu gom nguồn hến từ những “đồng nghiệp” trong vùng, anh Hùng cảm nhận rất rõ việc “thưa vắng” con hến trong những năm gần đây. Theo anh Hùng, sản lượng hến hiện nay chỉ bằng một nửa so với 5 năm trước nên dân cào hến phải lặn lội khắp nơi mới kham nổi cuộc sống gia đình. “Người ta cứ đua nhau bắt vô tội vạ nên con hến không kịp sinh sản như hồi trước. Thời điểm này, hến đã vào mùa rộ nhưng tôi chưa thấy sản lượng như mong đợi. Rồi đây, anh em trong nghề sẽ còn vất vả hơn với cuộc mưu sinh”- anh Hùng bộc bạch.

Thanh Tiến Báo An Giang, 25/12/2015