Ảnh hưởng rong đỏ Eucheuma denticulatum lên tăng trưởng của cá
Thức ăn bổ sung rong đỏ Eucheuma denticulatum (EDP) giúp cá bơn vĩ (Paralichthys olivaceus) giúp tăng trưởng tốt hơn, cùng với tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Hàm lượng EDP bổ sung vào thức ăn cho cá được khuyến cáo vào khoảng 3%.
Giới thiệu
Rong biển chứa hàm lượng lớn các acid béo không no, đặc biệt là các n-3 và n-6 acid béo không no, các thành phần đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, kích thích tăng trưởng, giảm hàm lượng cholesterol và triglyceride trong máu.
Eucheuma denticulatum (N.L.Burman) Collins & Hervey
Rong hay tảo biển từ lâu đã được bổ sung vào thức ăn chô động vật thủy sản (ĐVTS), đặc biệt là các loài cá nuôi. Các loài rong tảo biển thường được sử dụng như một chất phụ gia trong thức ăn thủy sản bao gồm: các loài thuộc họ tảo bẹ (Marcrocystis), tảo lục (Ulta), rong sụn (Kappaphycus), và rong mứt (Porphyra). Hàm lượng protein trong rong tảo biển dao động khoảng (5-30%) tùy loài, và chứa hàm lượng amino acid tương đối cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng rong bổ sung vào thức ăn cho tôm cá nuôi bên cạnh giá trị dinh dưỡng mang lại từ rong, còn giúp tiết kiệm chi phí do nguồn rong rất phong phú từ tự nhiên và giá thành tương đối thấp.
Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm được bố trí tại trung tâm nghiên cứu thủy sản thuộc Khoa Thủy Sản, trường Đại Học Kagoshima, Nhật Bản. Nghiên cứu nhằm đánh giá việc bổ sung EDP vào thức ăn lên tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, và cá chỉ tiêu huyết học của cá bơn vĩ.
Thí nghiệm bao gồm 5 nghiệm thức với 3 lần lặp lại được trình bày trong Bảng. Cá bơn vĩ với trọng lượng ban đầu trung bình là 0.42 g, cá được bố trí trong bể polyethylene 100 lít với mật độ 12 cá/bể. Thí nghiệm được bố trí với hệ thống nước chảy liên tục đảm bảo lượng nước được thay đổi 100%/ngày. Cá được cho ăn 2 lần/ngày, thức ăn thừa và phân được xiphong mỗi ngày. Trong suốt thời gian thí nghiệm các chỉ tiêu môi trường được theo dõi mỗi ngày, đảm bảo dao động không quá lớn, các chỉ tiêu bao gồm: nhiệt độ (16,5±1,4oC), pH (7,7±0,4), và độ mặn (32,6±0,6%o). Cá được cho ăn theo nhu cầu. Các chỉ tiêu tăng trưởng và huyết học của cá được thu sau 56 ngày thí nghiệm.
Nghiệm thức |
% bột cá (FMC) |
% bột đậu nành (SPC) |
% rong đỏ (EDP) |
Đối chứng dương (PC) |
56 |
0 |
0 |
Đối chứng âm (NC) |
56 |
15 |
0 |
Bổ sung EDP 3% (D3%) |
56 |
15 |
3 |
Bổ sung EDP 6% (D6%) |
56 |
15 |
5 |
Bổ sung EDP 9% (D9%) |
53.9 |
15 |
9 |
Kết quả nghiên cứu
Các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống: Sau 56 ngày nuôi; tỷ lệ sống ở các nghiệm thức đều đạt 100%, lượng thức ăn ăn vào (FI) không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0.05).
Hiệu quả sử dụng thức ăn (FER) ở nghiệm thức NC thấp hơn so với các nghiệm thức khác; đặc biệt cá ở nghiệm thức D3% và D6% cao hơn rất nhiều so với cá ở nghiệm thức NC (P<0.05)
Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR), tăng trọng theo % (WG), và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) tăng dần ở cá ở các nghiệm thức D3%, D6%, và D9% và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức NC (P<0.05).
Hiệu quả sử dụng protein (PER) của cá ở nghiệm thức D3% và D6% không khác biệt so với cá ở nghiệm thức PC; trong khi đó, PER của cá ở nghiệm thức D9% là thấp hơn so với PER của cá ở nghiệm thức D3%, D6%, và PC (P<0.05).
Thành phần hóa học và các chỉ tiêu huyết học của cá:
Các thành phần hóa học cơ bản của cá sau thí nghiệm được phân tích bao gồm ẩm độ, protein thô, tổng lipid, và hàm lượng tro. Các chỉ tiêu huyết học của cá sau thí nghiệm được phân tích bao gồm: hematocrit (Ht), hàm lượng haemoglobin (Hb), tổng cholesterol (total cholesterol, Tcho), hàm lượng triglycerides (TG), glucose (Glu), tổng bilirubin (Tbil), hàm lượng blood urea nitrogen (BUN), hoạt động của enzyme (glutamyl oxaloacetic transaminase, (GOT)) và glutamic pyruvate transaminase (GPT)). Kết quả cho thấy tất cả các chỉ tiêu huyết học của cá khác biệt không có ý nghĩa giữa các nghiệm thức (P>0.05), ngoại trừ Tcho và TG. Hàm lượng Tcho của cá ở các nghiệm thức D3%, D6%, và D9% thấp hơn so với cá ở nghiệm thức NC và PC (P<0.05); trong đó, hàm lượng Tcho của cá ở nghiệm thức PC cao hơn so với cá ở nghiệm thức PC. Hàm lượng TG của cá ở nghiệm thức PC cao hơn so với cá ở các nghiệm thức còn lại (P<0.05).
Thành phần acid béo (fatty acid)
Kết quả cho thấy tất cả các acid béo của cá không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0.05) ngoại trừ 18:3n-3, 20:5n-3, 22:5n-3 và 22:6n-3. Các acid béo 18:3n-3, 20:5n-3, 22:5n-3 and 22:6n-3, acid béo tổng số và PUFA của cá ở các nghiệm thức D3%, D6%, D9% và PC cao hơn so với của cá ở nghiệm thức NC (P<0.05).
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc bổ sung rong đỏ Eucheuma denticulatum (EDP) vào thức ăn cho cá bơn vĩ (Japanese flounder). Bổ sung EDP với 3% vào thức ăn cho kết quả tăng trưởng tốt cùng với tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Bổ sung EDP cho thấy hàm lượng cholesterol và triglycerides trong máu giảm, ngược lại hàm lượng omega-3 trong thịt cá tăng lên.
Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy có thể sử dụng EDP bổ sung vào thức ăn cho cá bơn vĩ, tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung EDP lên khả năng tiêu hóa, đặc biệt là khả năng tiêu hóa chất xơ carbohydrate vì rong biển thường chứa hàm lượng cao các carbohydrates, polysaccharides và chất xơ.