Anvifish hy vọng vào ông chủ mới
Việc một doanh nghiệp có nền tảng tốt như Anvifish bị rơi vào tình thế như hiện nay khiến ngay cả những người trong ngành không khỏi bất ngờ.
Sau gần 5 năm chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM, ngày 10.6.2015 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Việt An (Anvifish) đã chính thức bị hủy niêm yết theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX). Lý do hủy niêm yết, theo HSX, là công ty này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, trong đó có việc không cung cấp báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2014.
Không chỉ bị bắt buộc hủy niêm yết, theo báo cáo Công ty tự lập, năm 2014 Anvifish bị lỗ ròng tới 892 tỉ đồng, khiến vốn điều lệ cuối năm bị âm 368 tỉ đồng. Số lỗ này của Công ty cũng được xem là kỷ lục của sàn chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại.
Vì đâu nên nỗi?
Khó khăn của Anvifish thực ra đã xuất hiện từ trước, khi từ năm 2010 đến nay, lợi nhuận liên tục sụt giảm. Thế nhưng, kết quả kinh doanh giảm đột ngột cùng hàng loạt biến động ở công ty này là điều ít ai có thể ngờ tới.
Anvifish được ông Lưu Bách Thảo thành lập vào năm 2004 với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Sau 4 năm thành lập, Anvifish thực hiện cổ phần hóa. Cũng từ đó, Công ty liên tục duy trì được chỗ đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất nước.
Theo báo cáo thường niên năm 2013, Anvifish đã tập trung xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi cá nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu. Công ty có 2 vùng nuôi 30 ha đạt chuẩn GlobalG.A.P và 4 vùng nuôi với tổng diện tích 65 ha đạt tiêu chuẩn SQF 1000/2000CM, BAP. Cũng theo báo cáo này, Anvifish là 1 trong 5 doanh nghiệp thủy sản đầu tiên của Việt Nam, cùng với Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, NTACO, Hoàng Long và Vinh Quang có vùng nuôi cá tra được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC).
Hiện Avifish có 2 nhà máy chế biến cá tra đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường châu Âu, có năng lực chế biến 300 tấn cá nguyên liệu mỗi ngày và sử dụng hơn 2.000 lao động. Lượng khách hàng lớn của Công ty tương đối ổn định, trong đó có các khách hàng khó tính Mỹ và châu Âu.
Kết thúc năm 2013, Anvifish là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ 4 và đứng ở vị trí thứ 7 trong số các nhà xuất thủy sản của cả nước với doanh số 62,5 triệu USD. Theo báo cáo thường niên năm 2013, doanh nghiệp này cũng không đầu tư hay lún sâu vào các ngành rủi ro cao như tài chính hay bất động sản.
Việc một doanh nghiệp có nền tảng tốt như vậy lại rơi vào tình thế như hiện nay khiến các nhà đầu tư, ngay cả những người trong ngành, không khỏi bất ngờ. Vì đâu Anvifish lại lâm vào cảnh bi đát?
“Trong những năm qua, lãi vay là một gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp ngành thủy sản. Lãi suất cao, nhưng vì đã ký hợp đồng nên nhiều doanh nghiệp phải cắn răng chịu đựng. Tuy nhiên, cầm cự cũng chỉ được một thời gian, nên giờ phải vỡ ra thôi”, bà Trần Ngọc Tươi, Phó Chủ tịch Công ty Cadovimex, nhận định.
Vấn đề này dường như đúng với Anvifish. Trong bản phân tích các điểm yếu và mạnh của chính mình vào năm 2013, ban lãnh đạo công ty này cho rằng, một trong những điểm yếu lớn nhất của Công ty là sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao khiến họ phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ và vĩ mô.
Tính đến hết năm 2013, tổng nợ vay của Anvifish là 1.392 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.389 tỉ đồng. Khoản nợ lớn này khiến chi phí trả lãi vay của Anvifish lên đến 78,5 tỉ đồng. Lãi vay này chủ yếu đến từ các khoản vay ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận năm 2013 chỉ đạt 17,9 tỉ đồng, giảm 44,6% so với năm 2012.
Nợ thực ra là câu chuyện chung của ngành thủy sản, không riêng gì Anvifish. Thế nhưng, một vấn đề lớn hơn của công ty này có lẽ đến từ bộ máy tổ chức.
Chỉ 1 tháng sau khi báo cáo thường niên 2013 của Anvifish được công bố, 2 cổ đông lớn là ông Lưu Bách Thảo và quỹ đầu tư Far East Ventures đều đăng ký bán ra hết toàn bộ cổ phiếu.
Vì sao ông Thảo, một cổ đông sáng lập và Far East Ventures thoái hết vốn ở Anvifish? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Trong tờ trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo việc giao dịch cổ phiếu, ông Thảo cũng như Far East Ventures đều bỏ trống mục lý do bán cổ phiếu. Trong khi đó, theo một nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Thảo đã ra nước ngoài chữa bệnh từ giữa năm 2014.
Do chỉ có 2 cổ đông lớn, nên việc các cổ đông lớn đồng loạt rút vốn từ giữa năm 2014 đã khiến cho Anvifish lâm vào tình trạng vô chủ. Trong bản báo cáo hoạt động của Hội đồng Quản trị năm 2014, những thông tin chủ yếu được đề cập đều là việc thay dổi thành viên ban lãnh đạo của Anvifish. Văn bản này cũng nêu rõ không có một hoạt động giám sát nào của Hội đồng Quản trị với ban tổng giám đốc cũng như không có hoạt động nào của các tiểu ban thuộc Hội đồng Quản trị.
Với một công ty hoạt động vô chủ thì kết quả kinh doanh đi xuống và không có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng là điều dễ hiểu.
Sự xuất hiện của hai cổ đông mới
Kể từ khi quyết định hủy niêm yết cổ phiếu có hiệu lực, cơ cấu cổ đông của Anvifish có sự thay đổi đáng kể. Từ chỗ không có cổ đông lớn, sau khá nhiều phiên giao dịch nhộn nhịp, Anvifish đã có 2 cổ đông lớn là Công ty Thủy sản Ba và ông Lê Văn Lợi với tỉ lệ sở hữu lần lượt 10,01% và 13,06%. Hai cổ đông này có thể có mối quan hệ với nhau khi giao dịch gần đây của ông Lê Văn Lợi là bán ra 1,79 triệu cổ phần, trong khi Thủy sản Ba mua vào cũng với số lượng cổ phần nói trên.
Thông tin về hai nhà đầu tư mới này vẫn chưa được hé lộ. Ông Lợi là một cổ đông cá nhân mới, trong khi Thủy sản Ba theo danh bạ đăng ký có trụ sở tại quận 6, TP.HCM. Một số thông tin khác cho thấy công ty này có nhà máy sản xuất hàng giá trị gia tăng và có nhà máy đặt ở Khu Công nghiệp Tân Tạo.
Lợi thế, tiềm năng của Anvifish là rất lớn. Vấn đề là những ông chủ mới sẽ làm thế nào để đưa Công ty hoạt động ổn định và quay lại đường đua. Điều này có thể hy vọng nếu nhìn vào những câu chuyện tương tự trong ngành trước đây.
Cadovimex, chẳng hạn, từng là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu thủy sản thuộc tốp 10 cả nước, sau đó làm ăn thua lỗ, có nguy cơ phá sản và bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, sau khi có một nhóm cổ đông mới tham gia tái cấu trúc, Cadovimex đã sống sót và phát triển trở lại.
Một câu chuyện tương tự khác là Bianfishco. Trước khi bầu Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB, tham gia tái cấu trúc, xử lý lại nợ, Bianfishco được xem như là một doanh nghiệp đã chết lâm sàng. Thế nhưng, sau 2 năm, Bianfishco đã ổn định sản xuất và xuất khẩu trở lại. Công ty không chỉ tạo được việc làm cho hơn 1.000 công nhân mà còn giúp hàng ngàn nông dân có đầu ra cho con cá.