TIN THỦY SẢN

Australia sang Việt Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Nhân viên cơ quan quản lý thủy sản Australia tuyên truyền kèm phần thưởng mũ bảo hiểm cho 150 ngư dân xã Bình Châu. Ảnh: Văn Chương Lê Văn Chương

Ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng, vì ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài và được nhấn mạnh vào các ngư dân vượt khỏi Biển Đông ra Thái Bình Dương. Australia và Palau là hai trong những quốc gia đầu tiên bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp từ năm 2015.

Chính sách nhân đạo của Australia

Ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển các nước trong khu vực Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia thì đôi khi có thể do một số nguyên nhân khách quan, như sang vùng chồng lấn, do di chuyển theo thời tiết. Nhưng ngư dân vượt ra khỏi Biển Đông để sang các quốc gia ngoài Thái Bình Dương thì phải xem xét lại, vì đó là những quốc gia cách Việt Nam vài ngàn hải lý như: Australia, Palau, liên bang Micronesia, Papua New Guinea, New Caledonia, Vanuatu, quần đảo Marshall.

Chiếc tàu cá đầu tiên mà lực lượng bảo vệ bờ biển của Australia bắt giữ vào năm 2015, tại khu vực bãi đá ngầm Meddleton, đó là con tàu của ngư dân thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thông tin về vụ bắt giữ này như câu chuyện nóng ở làng chài, nhưng giới truyền thông lúc đó không chú ý. Suốt 2 năm, nhiều vụ việc cứ từng ngày tăng lên, nhưng vẫn được xem là thông tin nhạy cảm. Thiếu sự thẳng thắn ngay từ đầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc này tiếp tục gia tăng, cho đến khi bùng nổ thông tin trên báo chí ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương và châu Âu.

Lực lượng quản lý bờ biển của Australia khi bắt giữ ngư dân Việt Nam đã phải mang một tấm bản đồ thế giới ra để họ vạch đường đi. Các ngư dân chỉ từ Việt Nam đi qua khe hở của các nước Philippines và Indonesia rồi mới đến Australia. Trong vụ bắt giữ đầu tiên, các nhà chức trách của Australia tò mò về con tàu nhỏ đi suốt 40 ngày đêm để đến Australia. Nhiều người Việt định cư tại đây làm trong bộ máy chính quyền nước sở tại đã hỗ trợ cho ngư dân, có người còn nhiệt tình tư vấn cho các ngư dân vài thông tin giúp được xử lý nhẹ và không bị giam giữ. Cuối cùng, ngư dân ta được xử lý nhân đạo.

Nhắc đến chuyện “giam giữ”, các ngư dân cho biết, Australia “chăm sóc” các ngư dân Việt Nam rất kỹ. Khi bị bắt thì ngư dân được thuê nhà cho ở, mỗi phòng đều có gắn máy điều hòa, một tuần lễ được khám bệnh một lần, tổ chức cho đi tham quan các cảng biển và tàu đánh cá. Thực đơn buổi sáng là 3 quả trứng gà, trưa ăn cơm với cá phi lê và 1 lít sữa tươi, vài ngày cho một túi thuốc rê trị giá 35 USD, toàn bộ việc canh gác ngư dân giao cho phụ nữ, ngày về nước, ngư dân còn được tặng thêm 50 USD.

Ngay sau đó, hàng loạt tàu cá khác đã tìm đường đến Australia. Ngư dân sang vùng biển này để khai thác sò tai tượng khổng lồ và sau đó chuyển sang lặn bắt hải sâm. Thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2016, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã bắt giữ 27 tàu với 366 ngư dân Việt Nam, riêng Australia đã bắt 11 tàu, 150 ngư dân. Nhiều vụ việc tái diễn, số ngư dân đánh bắt bất hợp pháp tăng chóng mặt, vì vậy, Chính phủ Australia không tha bổng và cho tàu đánh cá về nữa. Ngư dân Phạm Thanh từng bị bắt giữ cho biết, sau khi phía Australia đốt 2 tàu và thu 65 phi hải sâm thì họ mới cho xem lại hình ảnh trên ti vi và thông báo với ngư dân ta, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị “giam giữ” từ 4 đến 6 tháng.


Australia công bố hình ảnh chụp tàu ngư dân từ không phận trước khi bị bắt vào tháng 11-2017. Ảnh: Tư liệu 

Tước giấy phép, khởi tố

Các quốc đảo ngoài Thái Bình Dương phần lớn đều thuộc khối Liên hiệp Anh, Pháp, hoặc chịu sự bảo trợ trực tiếp của Mỹ. Chính vì vậy, vụ việc bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài liên tục đã trở thành câu chuyện nóng trên báo chí các quốc đảo và lan sang châu Âu. Hiện nay, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản 1,9 đến 2,2 tỷ USD, trong đó, thị trường Mỹ và EU khoảng 350-400 triệu USD.

Trong thời gian qua, BĐBP Quảng Ngãi đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng ngư dân ra Thái Bình Dương lặn bắt hải sâm, tàu cá bị xử phạt sẽ bị tước giấy phép tạm thời trong thời gian 6 đến 9 tháng. Vụ việc tàu cá vi phạm có giảm xuống, nhưng đến cuối năm 2017, lại có dấu hiệu tái diễn đã cho thấy, nỗ lực của các nhà quản lý trong việc rút thẻ vàng là điều không hề dễ dàng. Tại buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra con số thống kê, trong năm 2017, số lượng tàu cá bị bắt giữ ở Thái Bình Dương là 22 tàu với 301 ngư dân, trong đó, bị bắt giữ tại Australia là 4 tàu, 59 ngư dân.

Australia tổ chức sang Việt Nam tuyên truyền ngay sau khi lực lượng quản lý bờ biển của đảo New Caledonia, thuộc địa hải ngoại của Pháp và Australia vừa bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt bất hợp pháp vào tháng 11-2017.

Cũng tại buổi tuyên truyền này, nhân viên quản lý biển đến từ Australia giải thích cho các ngư dân hiểu để từ bỏ tham vọng, đó là hệ thống vệ tinh đều bắt được tín hiệu và biết rất rõ từng chiếc tàu đi vào vùng biển của Australia. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam nếu rẽ sang hướng các quốc đảo khác thì thông tin đều được chia sẻ để ngăn chặn và bắt giữ việc đánh bắt bất hợp pháp. Nhân viên quản lý biển của Australia công bố hình ảnh được chụp từ trên không và trực thăng cho thấy rõ từng vị trí di chuyển của tàu cá, trong đó có tàu QNg 90945 TS đi kẹp với một tàu cá khác vào tháng 11-2017.

Trước những diễn biến như vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong thời gian tới, chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hải trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản các tỉnh. Tước quyền khai thác thủy sản vĩnh viễn; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm, các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài.

Lê Văn Chương Báo Biên Phòng