Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh nghiệp vẫn cần được tiếp sức
Trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tự xoay xở tìm hướng đi riêng để cứu mình. Nhưng họ vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ từ nhiều phía.
Tìm hướng đi riêng
Tại thời điểm này, Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), vẫn liên tục nhận được đơn đặt hàng từ các khách hàng truyền thống Nhật Bản, Đài Loan, Pháp…
Ông Trần Văn Dũng, TGĐ Công ty cho biết, hiện hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định sản xuất.
Công ty đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm bớt thời gian hình thành sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi về chất lượng cũng như thời gian cung ứng hàng cho khách. Cụ thể, công ty đã đầu tư hệ thống máy làm lạnh sản phẩm có khả năng đông lạnh sản phẩm mực tươi cắt da 8-10 gr/miếng chỉ trong 7 phút, bằng 1/10 thời gian so với máy làm lạnh trước đây, đầu tư máy tự động đóng gói... Hiện tại, Baseafood đã ký được hợp đồng tiêu thụ hơn 50% sản lượng chế biến đến cuối năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Baseafood đã đạt kim ngạch xuất khẩu là 13,5 triệu USD, doanh thu hơn 300 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng tháp gió của Công ty TNHH CS Wind Tower, từ giữa năm 2012 đến nay, thị trường Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá nên từ đó đến nay không xuất khẩu được, vì thế sản lượng sản xuất ra giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình thị trường tháp gió không khả quan, Công ty đã mở rộng thêm ngành nghề khác để duy trì hoạt động. Hiện ngoài sản xuất tháp gió, DN làm thêm các sản phẩm kết cấu thép để cung cấp thị trường trong nước như ống dẫn dầu, khí….
Một số DN khác còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sao Việt, trước đây lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là xây dựng và cung ứng máy móc thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, khi tiềm năng của những ngành nghề trên không còn nhiều, Công ty phải nhanh chóng mở thêm lĩnh vực mới. Vào giữa tháng 6 vừa qua, Công ty đã khánh thành đưa vào hoạt động trường mầm non Song Ngữ Sao Việt tại huyện Long Điền. Trường có tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Ngoài ra Công ty còn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng chợ…
Kiến nghị nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp
Mặc dù vậy, không phải DN nào cũng tìm được hướng đi tốt để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đã có hàng trăm DN phải giải thể, phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động. Theo phản ánh của các DN, khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN vẫn là do thị trường bị thu hẹp, sản phẩm bán ra của hầu hết các DN đều giảm mạnh so với cùng kỳ; Không ký được đơn hàng mới, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng.
Mới đây Sở Công thương đã đi khảo sát các DN, nắm bắt khó khăn để kiến nghị lên Chính Phủ và UBND tỉnh nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các DN. Theo đó, Sở Công thương kiến nghị Chính phủ giảm thêm 50% (trong năm 2013) thuế giá trị gia tăng đối với những hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất 10% nhưng lượng hàng tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm; Ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn và ưu tiên cho vay đối với DN xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Về phía UBND tỉnh, Sở Công thương đề nghị thành lập quỹ đầu tư phát triển để cho DN được tiếp cận vốn đầu tư sản xuất; giảm tiền thuê đất trong các KCN, đồng thời cho DN được gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất. Đối với các DN đang thiếu vốn sản xuất, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ cho DN được gia hạn nộp BHXH, BHYT để giúp DN vượt qua khó khăn và ổn định việc làm cho người lao động…