TIN THỦY SẢN

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm từ việc nuôi thủy sản lồng bè

Sẽ điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt Linh Nga

Thời gian qua, việc nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cung cấp nguồn thủy sản không nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, giải quyết được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản lồng bè vẫn chưa được kiểm soát tốt, dẩn đến phát sinh nhiều bất cập và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao

Việc nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được hình thành đầu tiên từ năm 2007 trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Ban đầu với khoảng 10 tổ chức, cá nhân nuôi với số lượng nuôi hạn chế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì số lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng khá nhanh. Cụ thể, trong khu vực đất liền trên địa bàn tỉnh có 354 cơ sở nuôi thủy sản.

Trong đó có 12 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã, 01 phân viện nghiên cứu và 340 hộ dân, với 8.981 lồng, chiếm diện tích 497,062 m2, thu hút 841 lao động sinh dống và làm việ trên lồng bè. Thủy sản nuôi trồng được phân bố tại các sông Chà Và, sông Dinh, sông Mỏ Nhát, sông Rạng và sông Cửa Lấp. Nguồn thủy sản được nuôi chủ yếu là cá và nguyễn thể (hàu).

So với số lồng bè được quy hoạch nuôi đến năm 2020 tại Quyết định số 167 ngày 26⁄01⁄2015 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì số lượng lồng bè hiện nay vượt 8.981⁄5.256, tăng 1,78 lần. Chính vì số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông tăng lên nhanh dẫn đến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy…

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại một số vùng quy hoạch, một số đối tượng tự ý thả vật nổi để chiếm mặt nước; tại khu vực sông Dinh hiện có một số lồng bè đang chiếm khu vực neo đậu tránh trú bão của tàu thuyền; tại khu vực sông Mỏ Nhát đang tồn tại 13 miệng đáy giữa sông, chiếm nhiều diện tích trong vùng quy hoạch và gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy…

Cũng theo kết quả của đoàn giám sát, hiện nay các vấn đề nóng về môi trường nuôi cá lồng bè đã tạm lắng, nhưng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát mạnh, bởi công tác bảo vệ môi trường chưa được người dân chú trọng và thực hiện nghiêm. Cụ thể, hiện nay trong quá trình vệ sinh lồng bè, nhiều chủ cơ sở đang xả thẳng những cặn bẩn ra sông gây mất an toàn cho nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt.

Tăng cường các giải pháp thiết thực

Để quản lý việc nuôi cá lồng bè và các nhuyễn thể trên hệ thống sông của tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, đến nay, đã khảo sát cấp biển số đăng ký tạm cho 132 cơ sở; di dời 20 cơ sở nuôi lồng bè ngoài quy hoạch trên khu vực sông Dinh vào vùng quy hoạch; hoàn thành công tác giải tỏa đăng đáy trên sông Chà Và; hạn chế được tình trạng dùng tôn Fibro xi măng và vỏ xe cũ để nuôi hàu; hoàn thành công tác cắm phao phân luồng giao thông đường thủy; hoàn thành lắp đặt 01 trạm quan trắc môi trường tự động để giám sát chất lượng nước trên sông; làm thủ tục cho thuê đất, mặt nước với 08 doanh nhiệp, với diện tích 140.069 m²…

Để quản lý tốt hơn việc nuôi thủy sản lồng bè, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, tới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá tác động môi trường toàn bộ khu vực quy hoạch cá lồng bè nhằm xác định sức chịu tải môi trường, xác định tổng thể giải pháp quản lý. Từ đó sẽ điều chỉnh quy mô phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác gây ra; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các lồng bè hoạt động tự phát; rà soát điều chỉnh lại quy chế quản lý về giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, an toàn lưu thông hàng hải… nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo quy định. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đối với môi trường và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... 

Linh Nga Báo TNMT