TIN THỦY SẢN

Bắc Giang: Tỷ phú thủy sản đất Lục Ngạn

Tỷ phú thủy sản Nguyễn Văn Sáng Đức Thọ

Hơn 12 năm rời Hà Nội lên "kinh đô vải thiều" Lục Ngạn (Bắc Giang) lập trang trại, Nguyễn Văn Sáng lãnh đủ thất bại sau khi thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi. Nhưng với nghị lực và quyết tâm vượt khó, hai năm trở lại đây, anh đã chọn cho mình hướng đi phù hợp: nuôi cá điêu hồng kết hợp vịt trời...

Khởi đầu gian truân

Sau 5 năm đi xuất khẩu lao động bên Nga, trở về Hà Nội, Nguyễn Văn Sáng có đủ điều kiện để sống cuộc sống giàu sang, nhưng vì đam mê làm trang trại, anh quyết tâm bỏ phố lên rừng. Cuối năm 2000, anh lên thôn Số Ba (xã Quý Sơn) đấu thầu hồ 40 rộng 20ha, mua thêm 5ha đất đồi liền kề để làm trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi trên cạn.

Lúc đầu, sẵn có vốn của gia đình, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng mở đường vào trang trại, thuê 20 lao động xây dựng hồ đập và bắt tay vào nuôi các loại cá trôi, trắm, chép… Ba năm đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc và quản lý trang trại nên sản lượng cá sụt giảm, nguồn thu chỉ đủ trả lương cho người lao động.

Năm 2004, Sáng quyết định không nuôi cá truyền thống nữa mà chuyển sang nuôi cá chim trắng. Đây là giống cá phàm ăn, nhanh lớn, dễ nuôi. Ai cũng nghĩ trang trại sẽ cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đúng đến ngày thu hoạch thì bị kẻ xấu hại khiến 60 tấn cá chết nổi trắng bụng. Sau lần ấy, mọi người đều nghĩ anh không thể gượng dậy nhưng Sáng chỉ cười và xem đây là bài học đắt giá về quản lý.

Không nản chí, Sáng thuyết phục vợ bán ba mảnh đất ở Hà Nội lấy tiền tiếp tục đầu tư làm trang trại. Với sự động viên của gia đình, sự ủng hộ của anh em bạn bè, anh quyết tâm xây dựng trang trại to đẹp hơn. Một mặt anh đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng 4.000m2 chuồng trại, chủ yếu phục vụ người dân địa phương chăn nuôi lợn siêu nạc với mục đích lấy phân lợn nuôi cá, nhằm giảm gánh nặng về thức ăn chăn nuôi; mặt khác tăng cường củng cố mối quan hệ với bà con trong thôn và nhờ anh em họ hàng tham gia trông coi hồ cá. Tuy nhiên, cách làm này cũng không đúng, bởi phân lợn đổ xuống hồ quá nhiều làm nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến cá bị mắc bệnh chết hoặc khó lớn. Kế hoạch bị phá sản, hàng tỷ đồng cùng bao mồ hôi công sức của Sáng và gia đình đổ vào trang trại mà chẳng thu được là bao. Khi đó, nhiều người thân trong gia đình đã hết lời khuyên Sáng từ bỏ trang trại trở về Hà Nội. Nhưng anh nghĩ, mình đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt xuống nơi này, chả lẽ bây giờ lại ra về tay trắng!

Thành công nhờ nuôi cá điêu hồng

Bài học về quản lý, lựa chọn con giống, phương thức chăn nuôi rồi dự báo thị trường… đã giúp Sáng lựa chọn hướng làm ăn phù hợp hơn, đó là nuôi cá điêu hồng. Nhưng để có tiền đầu tư con giống và tiếp tục cải tạo hồ đập, một lần nữa anh thuyết phục vợ con bán nốt mảnh đất cuối cùng ở Hà Nội. Có 4 tỷ đồng vốn trong tay, anh sang Trung Quốc mua giống, rồi liên hệ với nhà máy sản xuất thức ăn cho cá để ký hợp đồng mua cám; đầu tư thêm 100 triệu đồng mua gần chục chiếc máy sục khí ô xy và máy cho cá ăn tự động. Điêu hồng là giống cá có hình thức đẹp, cho giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Đặc điểm của loại cá này là phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, chỉ sau 8 tháng là có thể thu hoạch với trọng lượng trung bình 0,8 - 1 kg/con. Tuy nhiên, người nuôi phải có kinh nghiệm chăm sóc và vốn đầu tư lớn.

Trong quá trình chăn nuôi, Sáng thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý ô nhiễm bằng vi sinh vật, bảo đảm môi trường luôn trong lành cho cá phát triển. Nhờ thế, vụ cá điêu hồng năm 2011, trang trại cho thu hoạch cả trăm tấn, bán tại Hà Nội với giá bình quân 55.000 đồng/kg, thu lãi hàng tỷ đồng.

Đầu năm 2012, Sáng tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi cá điêu hồng, bảo đảm tiêu chuẩn 1m2 mặt nước/con. Đến thời điểm này, cá điêu hồng trong trang trại đã đạt trọng lượng trung bình 0,8 kg/con, chuẩn bị cho thu hoạch. Ước tính, sản lượng cá năm nay đạt khoảng 250 tấn, nếu bán tại Hà Nội với giá 60.000/kg, anh thu lãi 50%. Sáng cho biết thêm, hiện bình quân mỗi ngày cá ăn hết khoảng 50 triệu đồng tiền cám. Tuy tốn kém nhưng người nuôi phải bảo đảm lượng thức ăn thường xuyên cho cá tăng trọng. Có như vậy thì số lượng cá khi xuất bán đạt tiêu chuẩn loại 1 mới chiếm tỷ lệ lớn, tiêu thụ thuận lợi và được giá.

Ngoài việc đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, Sáng còn thường xuyên duy trì nuôi 2.000 con vịt siêu trứng; 500 con thỏ ngoại giống Newzealand; 10 con lợn rừng và 300 con vịt trời sinh sản. Trong đó, nuôi vịt trời là mô hình mới nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ về mô hình này, Sáng cho biết, chỉ với 100 con vịt bố mẹ ban đầu, đến nay chúng đã đẻ được hơn 4.000 trứng. Trứng vịt đẻ được bao nhiêu, Sáng cho vào lò ấp, tỷ lệ nở thành công từ 70 - 90% (tuỳ điều kiện thời tiết). Với phương thức chăn nuôi trên, đến nay, Sáng đã bán ra thị trường 1.500 con vịt trời thương phẩm với giá bình quân 200.000 đồng/con, thu về 300 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 150 triệu đồng. Hiện, Sáng đã gây được đàn vịt bố mẹ lên đến 300 con và trong chuồng chuẩn bị có thêm 1.500 con vịt trời thương phẩm để bán dịp cuối năm.

Sau nhiều lần thất bại, nhờ chọn được hướng đi đúng, trang trại của gia đình Sáng liên tục cho lãi cao, trở thành điểm sáng trong ngành nuôi trồng thuỷ sản ở Lục Ngạn. Không dừng lại ở mô hình trang trại này, Sáng đấu thầu 40ha mặt nước ở Lục Nam để tiếp tục nuôi trồng thuỷ sản.

Đức Thọ Kinh tế Nông Thôn