Bạc Liêu: Chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm
TP. Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn của tỉnh với hơn 7.150ha, tổng sản lượng khai thác thủy sản 40.780 tấn/năm. Đồng thời, thành phố có nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2017, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nên diện tích, sản lượng tôm nuôi đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi cũng còn gây nhiều khó khăn với tổng diện tích bị thiệt hại chiếm 1.210ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) với 1.100ha (mức độ thiệt hại từ 70%).
Qua khảo sát, hiện tượng tôm chết xảy ra trên tôm sú và cả trên tôm thẻ chân trắng. Tôm thường chết ở giai đoạn 1 - 2 tháng tuổi với các bệnh đốm trắng, đầu vàng, các bệnh về gan tụy (AHPNS)… Nguyên nhân tôm chết chủ yếu do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài kết hợp mưa trái mùa làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột; nhiệt độ giữa ngày và đêm có độ chênh lệch lớn; tôm nuôi có sức đề kháng kém.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, môi trường ao nuôi biến động, người nuôi tôm chưa có ý thức trong quản lý, bảo vệ môi trường. Đó là xả thải bùn, nước trong ao chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm; thả nuôi tôm giống chưa qua xét nghiệm; cải tạo và xử lý ao nuôi không đúng kỹ thuật để mầm bệnh còn tồn lưu trong ao nuôi…
Bên cạnh đó, người nuôi tôm chưa tích cực, chủ động khai báo tôm nuôi theo mô hình TC-BTC (theo Quyết định 369 của Sở NN&PTNT) nên gặp khó khăn trong việc quản lý nuôi; hộ nuôi bị thiệt hại ít khi khai báo nên gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó, tỉnh chưa có hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đảm bảo và đồng bộ, nhất là thủy lợi, điện và giao thông. Các vùng nuôi tôm TC-BTC vẫn còn nhiều hạn chế như: hệ thống kênh mương phục vụ nuôi thủy sản bị bồi lắng nhanh, điện phục vụ sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ nuôi, chưa có kênh mương cấp thoát nước riêng biệt…
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nuôi tôm TC-BTC năm 2018 (gồm 5.000ha và sản lượng 22.150 tấn), UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh đối với thủy sản. Theo đó, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền trên các chuyên mục khuyến nông, phát tờ rơi hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh thủy sản. Bảo đảm diện tích, năng suất, sản lượng, nhất là phát triển mô hình nuôi tôm TC-BTC. Giám sát chặt chẽ diện tích nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi để xử lý kịp thời, có hiệu quả, tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh lấy mẫu các loài thủy sản nuôi, quan trắc môi trường ao nuôi về để xét nghiệm kết quả thủy lý - hóa nhằm dự báo tình hình dịch bệnh phát sinh, chủ động đề xuất giải pháp phòng bệnh.
Đối với mô hình nuôi tôm TC-BTC nằm trong vùng quy hoạch được phê duyệt, người nuôi tôm phải tuân thủ lịch thời vụ và quy trình, kỹ thuật nuôi tôm của ngành chức năng. Cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm việc khai báo với UBND xã, phường khi thả nuôi. Khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh, cán bộ kỹ thuật xác minh, lập biên bản xác định bệnh; thực hiện việc khai báo tôm nuôi theo Quyết định 369 của Sở NN&PTNT. Người nuôi tôm phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm (được cơ quan chuyên môn hướng dẫn) và kiểm tra chất lượng con giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế thiệt hại, dịch bệnh phát sinh trên diện rộng…