Bạc Liêu: Nghề giăng lưới cá trên sông
Mùa mưa, khi mực nước trên các kênh rạch dâng cao, các loại cá nước ngọt từ các con sông đầu nguồn cũng theo dòng nước đổ về. Những ngày này, men theo các tuyến kênh, rất dễ bắt gặp những người ngồi trên xuồng giăng lưới bắt cá.
Buổi trưa, trong cái nắng nóng oi bức của những ngày tháng 7, ở một khúc sông vắng, anh Nguyễn Thanh Duy (ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) đang cặm cụi thả lưới bắt cá. Trên chiếc xuồng nhỏ có gắn chiếc máy đuôi tôm đã cũ, anh đem theo một cái thùng xốp bên trong chứa sẵn vài cục nước đá để giữ cá được tươi sau khi bắt. Với đôi tay anh thoăn thoắt, tay lưới dài hơn 100m chỉ một thoáng là anh thả xong.
Anh Duy chia sẻ: “Tôi làm nghề này đã gần 6 năm nay. Cứ đến mùa nước nổi là tôi lại đi giăng lưới bắt cá trên các tuyến sông. Có hôm “trúng mánh” cũng bán được vài chục ngàn đồng, nhưng cũng có hôm số cá kiếm được chỉ đủ để ăn. Tận dụng những lúc nông nhàn là tôi lại xuống xuồng đi từ vùng này sang vùng khác bắt cá vừa kiếm thêm thu nhập vừa để thỏa mãn thú vui sông nước”.
Cũng theo anh Duy, số lượng cá ngày một ít đi do việc lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật của người dân. Nếu như những năm trước, một mẻ lưới anh Duy có thể bắt gần một ký cá các loại, thì nay phải nhiều lần thả lưới anh mới có được chừng ấy cá, hoặc cũng có khi không có cá.
Tuy không làm nghề giăng lưới bắt cá nhiều năm như anh Duy, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nước nổi là anh Trần Văn Chứ (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) cũng làm một cái vó bắt cá đặt ở bến sông trước nhà nhằm cải thiện bữa ăn gia đình. Thế nhưng năm nay, cũng như nhiều người trong xóm, anh bắt được rất ít cá. Anh Chứ cho rằng: “Cá trên sông ngày một ít dần. Người ta khai thác đủ kiểu như xiệt điện, đặt đó, đặt lọp... Cứ như vậy vài năm nữa chắc không còn cá để mà bắt”.