Bạc Liêu: Thực hiện mô hình liên kết “bốn nhà” trong nuôi tôm
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thàng Trung đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh.Đồng thời, thông qua liên kết sản xuất để xây dựng thành công chuỗi sản xuất từ khâu sản xuất, tiêu thụ và chế biến vốn là “điểm nghẽn” trong xuất khẩu lâu nay.
Liên kết "bốn nhà" tại Bạc Liêu
Tin vui cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và cả người nông dân là Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thàng Trung đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những việc làm góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, thông qua liên kết sản xuất để xây dựng thành công chuỗi sản xuất từ khâu sản xuất, tiêu thụ và chế biến vốn là “điểm nghẽn” trong xuất khẩu lâu nay. Đó là chuyện mạnh ai nấy làm như: nông dân làm ra sản phẩm khó tiêu thụ, không bán được giá cao; còn doanh nghiệp xuất khẩu luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, bị các nước nhập khẩu bắt chẹt vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP, tìm mọi cách để hạ giá sản phẩm, đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào cảnh khó khăn, thua lỗ…
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phải xây dựng mối liên kết “bốn nhà” thật bền chặt và phải thật sự phát huy được hiệu quả liên kết. Theo đó, đối với những hộ nông dân được chọn áp dụng mô hình ngoài việc có đủ diện tích đất để nuôi tôm theo yêu cầu, có kinh nghiệm nuôi tôm thâm canh, còn phải là những nông dân ham học hỏi, có phương tiện để sản xuất, có khả năng về vốn. Nông dân đã có đủ vốn, hoặc đã có một phần vốn, thì phần còn lại được vay vốn từ ngân hàng để đầu tư cho mô hình. Ngoài ra, nông dân đó phải có uy tín trong cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm cao, chí thú làm ăn và có khả năng nhân rộng mô hình khi có yêu cầu.
Sở NN&PTNT sẽ giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là Công ty CP) đồng hành cùng nông dân trong việc áp dụng mô hình. Ở mỗi điểm thực hiện mô hình, ngành Nông nghiệp tỉnh cử cán bộ khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát diễn biến tình hình tôm nuôi và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong quá trình nuôi, đảm bảo thành công của mô hình.
Công ty CP chịu trách nhiệm thiết kế ao nuôi, xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn nông hộ thực hiện, cung cấp các tài liệu hướng dẫn. Đồng thời, cam kết chịu trách nhiệm với các hộ tham gia thực hiện mô hình cung cấp từ khâu kỹ thuật cho tới các dịch vụ đầu vào đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (như: tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản); có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các hộ tham gia mô hình thông qua các dịch vụ đầu vào; cam kết chia sẻ rủi ro khi thực hiện mô hình (hợp đồng cụ thể với từng hộ).
Tạo điều kiện để vay vốn
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch này và nhân rộng mô hình cho nông dân trong tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bạc Liêu chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể và cho nông dân vay vốn áp dụng mô hình đúng theo yêu cầu kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ được vay. Có thể lấy tài sản hình thành từ mô hình (đất và tài sản gắn liền trên đất) để thế chấp vay vốn. Nếu có thiệt hại cần có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, hoặc cho vay mới để đảm bảo đủ điều kiện về vốn nhằm tiếp tục thực hiện mô hình.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có trách nhiệm phối hợp với ngành Nông nghiệp và Công ty CP thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ mô hình sản xuất đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tôm sạch, đảm bảo ATVSTP và sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm với giá hợp lý, đảm bảo cho người sản xuất có lãi. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị tôm bền vững…
Sự liên kết này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản phát triển và giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật về VSATTP hiện nay.