TIN THỦY SẢN

Bắc Ninh: Hiệu quả “kép” từ nuôi cá trong ruộng lúa

Nguyễn Thị Hoài - TTKNKN Bắc Ninh

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình nuôi luân canh cá lúa. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả “kép”, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một thửa ruộng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình được triển khai tại 2 huyện Thuận Thành và Lương Tài, với diện tích 2 ha, gồm 6 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 30% giá thức ăn, hoá chất phòng bệnh. Đối tượng nuôi cá rô đồng chiếm 80%, cá chép lai 15%, cá mè trắng 5%, mật độ thả bình quân 7 con/m2.

Anh Nguyễn Chí Mạnh ở thôn Lạc Hoài, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành chia sẻ, gia đình anh đã nuôi cá lúa lâu năm nhưng hiệu quả không cao do thả không theo mật độ hay quy trình chăm sóc nào. Khi được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh chọn tham gia mô hình nuôi cá lúa, anh Mạnh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm về chuẩn bị ruộng, cải tạo mương, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách cho cá ăn và chăm sóc đàn cá. Trên diện tích 4.000m2, anh gieo sạ giống lúa Khang dân, sau khoảng 30 ngày, bắt đầu thả 22.400 con cá rô đồng, nuôi ghép 4.200 con cá chép lai và 1.400 con cá mè trắng. Sau hơn 8 tháng, anh Mạnh đã thu hoạch được 16 tạ cá, cao hơn 5 tạ so với trước kia. Năng suất lúa cũng cao hơn 2 tạ mà lại không mất nhiều công chăm sóc và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng giống như anh Mạnh, anh Trần Viết Tư, ở thôn An Trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình anh nuôi cá lúa đã 10 năm. Trước đây, anh chủ yếu nuôi cá trắm cỏ nhưng loài cá này thường hay mắc bệnh, thường xuyên phải theo dõi, chăm sóc mà cá vẫn hay bị chết. Năm nay, gia đình anh tham gia mô hình nuôi luân canh cá lúa với đối tượng cá rô đồng là chính. Kết quả cá rô đồng có sức đề kháng tốt hơn hẳn các loại cá khác nên ít bị bệnh. Những năm tới anh sẽ chuyển hẳn sang chỉ nuôi cá rô đồng.

Nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa mang lại hiệu quả “kép” cho nông dân. Bởi vì, cá lúa có mối quan hệ cộng sinh với nhau, cùng sống trong ruộng lúa nhưng không có sự cạnh tranh về thức ăn, ngược lại có sự hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, ốc bươu vàng, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giúp người dân hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ, công làm đất vụ sau. Ngược lại, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, sâu bọ, các loài động vật sống trong ruộng lúa… làm thức ăn cho cá nên người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Vì vậy, mỗi ngày anh Tư chỉ cần bổ sung cám công nghiệp cho cá ăn một lần vào buổi sáng. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt cá thơm ngon, bán được giá. Tháng 11 vừa qua, anh Tư thu được 60 triệu đồng từ tiền cá và lúa, trừ chi phí thức ăn, gia đình anh thu lãi gần 30 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm thực tế của các hộ, để nuôi cá lúa đạt hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý là chân ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng giai đoạn thời kỳ sinh trưởng của cá. Do đó, các hộ nông dân tuỳ điều kiện, cần phải đào rãnh trong khu vực trồng lúa. Khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, phải di chuyển cá sang các rãnh nước này, tránh cho cá bị nhiễm độc.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh, mô hình nuôi cá lúa hiện cho kết quả rất khả quan, dễ áp dụng trên địa bàn tỉnh. Để mô hình nuôi luân canh cá lúa có thể nhân rộng ra các địa phương khác, các hộ nông dân nên lựa chọn đối tượng nuôi thả phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng gia đình. Mô hình nuôi luân canh cá lúa bước đầu làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với khả năng của các hộ nông dân vùng trũng, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Nguyễn Thị Hoài - TTKNKN Bắc Ninh Khuyến Nông VN, 03/01/2014