TIN THỦY SẢN

Bắc Trung Bộ: Nuôi tôm, ốc hương thiệt hại nặng do nắng nóng

Xử lý ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Quang Văn Thắng - Dương Quang

Nắng như đổ lửa vượt ngưỡng 40°C những ngày qua làm sinh hoạt của người dân Bắc Trung Bộ đảo lộn, đồng thời gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản.

Đi dọc vùng nuôi trồng thủy hải sản ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đâu đâu cũng nghe người dân than phiền vì dịch bệnh trên tôm, sốc nhiệt chết hàng loạt. Tại khu vực hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển Hà Tĩnh, dù các chủ hồ nuôi đã sử dụng nhiều phương cách, kể cả phun hóa chất làm sạch ao nuôi, nhưng vẫn không thể cứu vãn được tôm chết do bệnh đốm trắng. 

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Trần Bá Toàn cho biết, ngoài hàng triệu con tôm thẻ chân trắng nuôi trên diện tích 22ha ao hồ của 22 hộ dân ở các xã Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Thư chết vì bệnh đốm trắng, nắng nóng, cộng với chất lượng con giống cũng như nguồn nước cấp vào ao nuôi không qua xử lý, đã khiến bệnh đốm trắng bùng phát thành dịch.

Đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng và UBND các xã tập trung rà soát số diện tích nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý khi dịch bệnh đốm trắng đang ở diện hẹp. Hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng triệt để khu vực nuôi, hệ thống cấp thoát nước, dụng cụ, nguồn nước cấp; hạn chế thả giống tại thời điểm đang xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi… Trước mắt, đơn vị đã cung ứng 1.530kg chlorine cho người dân các địa phương nói trên để xử lý dịch bệnh đốm trắng, cũng như khử khuẩn nước ao hồ nuôi tôm.

Trong khi đó, người dân ở xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa vì ốc hương nuôi thương phẩm chết bất thường. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Lê Quang Vinh cho biết, ốc hương thả từ tháng 3 bị chết, với số lượng khoảng 16 triệu con, thiệt hại về kinh tế hơn 2 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, nhưng nguyên nhân ban đầu có thể do thời tiết nắng nóng và mưa thất thường, kỹ thuật nuôi chưa đảm bảo… 

Nắng nóng gay gắt hơn khi độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam thổi mạnh đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, nhất là người dân các huyện miền núi bị thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ hè thu 2021 phù hợp với tình hình nắng nóng gay gắt dự báo kéo dài đến tháng 8-2021.

Theo đó, đối với các diện tích lúa hè thu vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện thì cần điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước chống khô hạn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng do các đợt mưa bão trong năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình này

Văn Thắng - Dương Quang Sài Gòn Giải Phóng