Bàn về khởi nghiệp kinh doanh cá cảnh - Phần 1
Nuôi trồng thủy sản để làm cảnh là một công việc kinh doanh thú vị và lợi ích. Đòi hỏi kiến thức chuyên môn về quản lý ao nuôi, đặc điểm sinh học, kỹ thuật nuôi cũng như hiểu biết về kinh doanh để hoạt động có lãi.
Một lĩnh vực của ngành nuôi trồng thủy sản ít được chú ý đến là sản xuất cá cảnh (cá, động vật không xương sống và thực vật thủy sinh). Ngành công nghiệp sản xuất động vật cảnh trong 70 năm qua có trị giá hơn 5 tỷ đô.
Nuôi trồng thủy sản để làm cảnh là một ngành kinh doanh lớn. Như Shane Willis, chủ tịch Ornamental Fish International (OFI) của Úc cho biết: “Hoạt động buôn bán cá cảnh có hơn 1.000 loài cá nước ngọt với hơn 90% đến từ nuôi trồng thủy sản”. Hầu hết cá nước ngọt được nuôi ở châu Á (Trung Quốc, Singapore, Indonesia và Ấn Độ) và cả ở bang Florida nước Mỹ. Châu Phi và Nam Mỹ cung cấp các loài nuôi trong trang trại và đánh bắt tự nhiên. Nhật Bản nổi tiếng với các giống cá vàng và cá Koi. Ngoài các loài cá nước ngọt cụ thể, ngành công nghiệp này còn sản xuất rất nhiều giống cá và kích cỡ khác nhau.
Nuôi cảnh biển chỉ có khoảng 100 loài cá, được sản xuất ở một số ít các trang trại. Có hơn 1.800 loài cá cảnh đánh bắt tự nhiên từ Indonesia và một số quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương (Philippines, Fiji, Vanuatu). Nuôi san hô (150 loài) đang trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều loài được nhân giống trên khắp thế giới. Các loài động vật không xương sống (720 loài) ít được nuôi mà chủ yếu đánh bắt trong tự nhiên. Các thị trường chính vẫn là ở Bắc Mỹ và Châu Âu, với các thị trường mới nổi ở Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ.
Các trang trại nước ngọt có thể có công nghệ thấp so với các trang trại biển (nuôi cá hề, san hô, v.v.) đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao hơn. So với nước ngọt, nuôi cá cảnh biển đòi hỏi vốn, chi phí vận hành, chuyên môn kỹ thuật cao hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Những yếu tố này được bù đắp bởi giá thị trường cao, đôi khi giá cá biển gấp 10 lần giá các loài nước ngọt.
Nuôi trồng thủy sản cung cấp thực phẩm cần có trại giống, vườn ươm, ao nuôi thương phẩm hoặc lồng bè trên biển và cơ sở chế biến. Nuôi cá cảnh bắt đầu và kết thúc tại trại giống, có nghĩa là vốn và chi phí hoạt động ít hơn và ít rủi ro tổn thất lớn về tài chính. Hầu hết cá có thể được lai tạo và nuôi trong vòng chưa đầy 6 tháng với chi phí thức ăn thấp và bán ở kích thước nhỏ (2 đến 5 cm).
Bryce Risley, một nhà báo và nhà sinh thái xã hội biển có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Cá cảnh biển được định giá trên 1.000 USD/kg, so với giá thức ăn cho cá trung bình là 13 USD". Dưới đây là hướng dẫn dành cho những ai quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh nuôi trồng thủy sản để làm cảnh.
Hai kỹ thuật viên nuôi trồng thủy sản tại bể cá. Ảnh Aquarium Industries
Những điều cần xem xét khi khởi nghiệp kinh doanh nuôi cá cảnh:
1. Kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật
• Bạn có kinh nghiệm điều hành một doanh nghiệp hay có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản trước đây không? Nhiều doanh nghiệp thất bại vì họ chỉ tập trung 1 trong 2 lĩnh vực, một số say mê với việc nuôi trồng thủy sản và quên mất các khía cạnh kinh doanh. Và chúng tôi biết, doanh nghiệp không tự điều hành.
• Nếu mới bắt đầu nuôi trồng thủy sản, ban đầu hãy thuê các chuyên gia có kinh nghiệm, sau đó trở thành một chuyên gia.
2. Vốn
• Bạn có đủ vốn để mua, thuê hoặc xây dựng trang trại cũng như tất cả các chi phí sản xuất và đủ tiền mặt để sản xuất vụ nuôi đầu tiên không? Bạn có thể vượt qua sự tổn thất do sản lượng thấp, sự bùng phát dịch bệnh hoặc thị trường đi xuống không?
Trong phần 2, chúng tôi sẽ bàn những lưu ý và câu hỏi về vị trí, nhân viên, thị trường cá cảnh và rủi ro mà các nhà kinh doanh cá cảnh tương lai cần phải biết. Mời quý độc giả đón đọc.
Nguồn: Andrew Leingang. An introduction to ornamental aquaculture: starting a business, part I, The Fish Site, 25/10/2021