Tận dụng sân thượng, dù lười vẫn có rau sạch cá tươi tại Sài Thành
Áp dụng mô hình Aquaponics cho hai vườn trên nóc nhà và sân thượng, anh Huỳnh có rau, cá sạch cho cả nhà dùng quanh năm mà không tốn nhiều thời gian, công sức chăm sóc.
Anh Nguyễn Ngọc Anh Huỳnh (42 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh, TPHCM) có kinh nghiệm làm vườn hơn 10 năm. Anh từng thử qua nhiều phương pháp như thủy sinh, thổ canh, trồng thủy canh bằng dung dịch và trồng rau hữu cơ. Khi biết đến Aquaponics, anh quyết định áp dụng mô hình này vào không gian trên sân thượng bởi tính tiện lợi, bền vững và an toàn cao. Đây là mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng rau, nhờ đó mà anh thu hoạch được cả rau và cá, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho gia đình.
Vườn trên cao của gia đình anh Huỳnh rộng khoảng 45 m2, được chia thành 2 khu vực gồm sân thượng và nóc nhà. Với khu vườn sân thượng có diện tích 20 m2, gia chủ xây hồ cá bằng xi măng, bao quanh không gian với chiều dài khoảng 15m.
Trên hồ cá được bố trí đặt các khay rau để tận dụng che nắng cho hồ, tránh tình trạng rêu hại xuất hiện mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Góc vườn này được anh vận hành theo đúng nghĩa Aquaponics đơn thuần với hệ thống tự động và hoàn toàn khép kín.
Vườn vận hành theo hệ thống tự động, hoàn toàn khép kín nên tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc.
Tại đây, chủ nhân khu vườn cũng nuôi nhiều chủng loại thủy sản như cá rô phi, diêu hồng, trê tượng, rô đồng, cá mú Úc và cả tôm càng xanh, cá Guppy 7 màu hay một số cá ốc kiểng thủy sinh. Hơn 5 năm vận hành mô hình Aquaponics trên sân thượng, anh Huỳnh đã trồng thử nghiệm hầu hết các loại rau ăn lá quen thuộc như xà lách, bẹ xanh, cải ngọt, mồng tơi, chân vịt, cải kale... hay một số cây ăn trái như sung Mỹ, dâu tây và dưa lưới.
"Do vị trí sân thượng nhà mình thiếu nắng mà dưa lưới phải trồng giàn nên dễ che mất nắng của các khay rau bên dưới. Sau đó, mình quy hoạch trồng xen canh dâu tây và sung Mỹ. Hai giống này dễ trồng, quả ngon mà lại giàu vitamin và dưỡng chất", anh Huỳnh nói.
Về khu vườn trên nóc nhà rộng 25 m2, anh tận dụng khoảng trống dưới bồn chứa nước rồi lót bạt HDPE làm hồ cá và dùng các khay nhựa kết hợp thanh sắt V lỗ tạo liên kết khối trên mái nhà để đặt nhiều khay trồng rau. Vườn này hiện được bố trí nuôi cá trê tượng, cá guppy và vài con tôm. Gia chủ cũng vận hành vườn nóc nhà theo nguyên lý Aquaponics nhưng bổ sung thêm phân hữu cơ tự làm.
Người đàn ông Sài Gòn cũng đã và đang thí điểm trồng rau kết hợp thêm phân ruồi lính đen ở vườn trên nóc nhà. Loại ruồi lính đen này xử lý rác thải nhà bếp rất hiệu quả. Anh Huỳnh thiết kế một hệ thống nuôi chúng để xử lý rác thải cho cả các hộ gia đình xung quanh. Ấu trùng loài ruồi này cũng được dùng làm thức ăn cho cá. Còn phân cá thải ra có thể thu gom và bón cho các khay rau trên hệ thống nóc nhà.
Khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định thì việc trồng rau nuôi cá trở nên đơn giản do việc bổ sung phân bón hay tưới cây thường xuyên đã được các máy bơm nước hẹn giờ, chạy theo chu kỳ tưới của hệ thống mà không cần thực hiện thủ công. Ngay cả việc cho cá ăn cũng được tự động hóa bằng máy móc. Anh Huỳnh cho cá ăn theo hai chế độ, dùng cám công nghiệp có xuất xứ rõ ràng, cho ăn 80% định lượng phụ thuộc vào lượng cá và 20% ấu trùng ruồi lính đen.
"Một ưu điểm khác của hệ thống Aquaponics là sử dụng đất nung hay còn gọi là sỏi nhẹ. Loại sỏi này có thể dùng vĩnh viễn, không như đất thông thường khi gặp mưa sẽ bị trôi và văng tung tóe ra sàn rất bẩn. Ngoài ra, mình cũng không cần phải làm đất, bón phân hay xử lý đất khi đất không còn dưỡng chất như các phương pháp khác.
Đặc biệt mùa mưa, nếu hệ thống có trang bị thêm nhà màng thì việc chăm sóc rất nhàn. Mô hình này còn đảm bảo tiết kiệm nước vì hệ thống dùng nước hồ cá để tưới rau, sau đó nước dư sẽ được đưa về lại hồ nuôi cá", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Thời gian đầu thiết kế mô hình Aquaponics trên sân thượng, anh Huỳnh cũng gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, lắp ráp hệ thống. Ví dụ như cần đảm bảo nước cho hồ, lắp đặt tỉ mỉ và kiên cố điện nguồn cho các thiết bị bơm, máy oxy.
Do mô hình Aquaponics đòi hỏi sự kỳ công và phức tạp nhất trong các mô hình trồng rau hiện nay nên việc lắp đặt phải chuẩn để hệ thống vận hành chất lượng, an toàn và có tính bền vững.
Trong vườn có nhiều loại rau xanh khác nhau, cho thu hoạch thường xuyên.
Toàn bộ hệ thống vườn trên cao đều do anh Huỳnh tự mày mò và thiết kế. Anh từng lắp đặt sai và phải tháo ra lắp lại nhiều lần. Chi phí anh đầu tư làm vườn theo mô hình này khoảng 50 triệu đồng. Gia chủ cũng cho biết, chi phí lắp đặt hệ có thể rẻ hơn nếu nắm được nguyên lý và có kinh nghiệm.
"Hiện nay có khá nhiều các dịch vụ lắp đặt hệ thống Aquaponics tương đối ổn và chi phí cũng không quá cao, các bạn nên thuê các dịch vụ tư vấn thiết kế thi công cho nhanh chóng. Hoặc mọi người cũng có thể tham gia các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình Aquaponics trên mạng để học hỏi và được hướng dẫn tận tình từ hệ cơ bản tới nâng cao, cũng như các kinh nghiệm trừ sâu sinh học rất hiệu quả", anh Huỳnh cho hay.
Anh Huỳnh hiện quản lý hai nhóm trên facebook chuyên chia sẻ, trao đổi kỹ thuật về mô hình Aquaponics, hỗ trợ những người có cùng đam mê áp dụng thành công phương pháp làm vườn này. Từ khi hệ thống Aquaponic đi vào hoạt động ổn định, gia đình anh Huỳnh có rau trái sạch sử dụng thường xuyên giúp tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt.