Báo động tình trạng săn bắt cá mập
Vài năm gần đây, tình trạng săn bắt cá mập diễn ra tràn lan và giá cả của loại “thủy quái” này tăng một cách chóng mặt, nhất là bộ vi cá mập. Nó được coi là sản phẩm vô giá và luôn dành cho giới thượng lưu hay những người lắm tiền nhiều của…
Theo một ngư dân tại Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thì nghề đánh bắt cá mập đã manh mún phát triển từ lâu, và họ phải đi rất xa bờ mới có thể đánh bắt được loài thủy quái hung dữ nhất đại dương này. Thực tế trước đây cho thấy nghề đánh bắt cá mập ở biển Quy Nhơn không phải là nghề “hot” mà chủ yếu ngư dân đi đánh bắt các loại cá lớn khác, nếu cá mập vướng lưới, mắc câu thì bắt luôn đem về bán bình thường như các loài cá khác ở các chợ hải sản. Những năm gần đây khi loài cá mập liên tục mò vào bờ tấn công người cũng là lúc dư luận đồn thổi vi cá mập có thể tăng cường sức khỏe, chữa bách bệnh, nhất là bệnh ung thư thì giá cả của loài cá này luôn trở thành vấn đề nóng.
Nếu như ở thời điểm trước năm 2010, mỗi kg thịt cá mập cũng chỉ 20 nghìn và vi cá mập chỉ dừng lại khoảng trên dưới 1 triệu đồng cho 1 kg thì nay giá này phải từ 50 nghìn đồng và vi cá mập tươi phải từ 3 đến 5 triệu đồng/ 1 kg. Với giá khủng như vậy nên không ít ngư dân đã tìm hiểu tập tính săn mồi của loài cá này để chuyển sang chuyên săn bắt bán kiếm lời mong đổi đời nhanh chóng.
Ngư dân Nguyễn Thanh Tùng, một tay săn cá mập thượng hạng tại Quy Nhơn bật mí: Loài cá mập có thể phát hiện mồi là mùi máu, mùi tanh cách khoảng 3 km nên mỗi khi ra khơi là anh ta tìm đến các lò mổ gia súc hay các nơi chế biến thủy hải sản để xin nước thải của các cơ sở sản xuất này. Sau đó, Tùng đóng vào các thùng chứa lớn đem lên tàu đến khu vực mà cá mập hay sinh sống rồi đổ những thùng nước “mồi” xuống biển. Những ngư dân này đợi khoảng gần một giờ đồng hồ sau đó mới thả câu, buông lưới, thế là hung thần biển cả đành trở thành món đặc sản của những nhà hàng sang trọng trong Nam, ngoài Bắc và cả xuất khẩu đi nước ngoài.
3 Vi cá mập được cắt ra bán riêng với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/ kg
Quả thật, để săn bắt loài thủy quái này thật không khó và công thức gần như giống nhau. Nguyễn Thanh Tuấn, một ngư dân ở Phú Yên cũng có chiêu đánh bắt cá mập như của Nguyễn Thanh Tùng tâm sự: Muốn bắt loài cá này thì càng tạo được mùi tanh thì càng dễ bắt. Tuấn cho hay biển Phú Yên cũng không nhiều cá mập và phải đi khá xa bờ mới có thể bắt được. Nhưng mỗi khi trúng đàn, Tuấn bắt được cả chục con, sản phẩm mang về hàng tấn cá mập, thu nhập cả trăm triệu đồng.
Do các sản phẩm từ cá mập hiện nay hiếm và đắt nên tại Phú Yên và Bình Định có hẳn những thương lái chuyên thu gom loài thủy quái này. Khách hàng muốn mua sản phẩm vi cá mập không phải lúc nào cũng có sẵn mà phải đặt hàng trước. Trong vai người đi mua vi cá mập tươi, chúng tôi đã phải để lại số điện thoại cho một đầu nậu và mãi tới một tuần sau thì chủ đầu nậu mới thông báo là có hàng. Khi chúng tôi đến thì đầu nậu đem ra 5 kg vi cá mập và hét giá 4 triệu cho 1 kg. Thấy chúng tôi thắc mắc là tại sao vi cá lại được kẹp chặt trong hai bìa gỗ cứng và không còn tươi nữa thì đầu nậu giải thích: Dân biển người ta đi đánh bắt cả tháng mới về nên khi bắt được cá mập họ cắt vi, sau đó ép vào gỗ để vi cá không bị cong vênh khi phơi. Ở một đầu nậu khác chúng tôi được chào bán với giá 3 triệu đồng cho 1 kg vi cá mập, nhưng đã được xử lý từ màu đen sang trắng tinh. Khi nghe anh bạn tôi - một người khá sành về thị trường vi cá mập tại Việt Nam tiết lộ công nghệ tẩy trắng vi cá mập cho đẹp mắt và nâng cao thương hiệu là bằng nước rửa vết thương oxy già, điều này làm tôi phát hoảng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không ít tàu đánh cá ở vùng biển Quy Nhơn chỉ chuyên săn bắt cá mập để lấy vi, tức là khi bắt được cá mập họ chỉ cắt lấy bộ vi rồi sau đó vứt xác cá mập xuống biển. Sở dĩ họ làm như vậy là những tàu bè này đều dùng công nghệ cao chuyên săn bắt loài cá mập nên họ chỉ lấy vi để lúc vào bờ cho gọn nhẹ, tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Theo Dược sỹ Cao Thị Lan thì vi cá mập hoàn toàn là chất sụn, 100g vi cá khô chứa 89% chất đạm, 0,1 % bột đường, 0,02 % chất béo, cung cấp 384 calo. Bà Lan cho biết, vi cá mập hiện nay cả trong đông y và tây y chưa coi là thuốc mà mới chỉ dừng lại ở việc kết hợp với các hợp chất khác tạo thành thuốc chữa một số bệnh về mắt, xương, cơ khớp. Ngoài ra, vi cá mập hay được dùng làm thực phẩm chức năng, dùng nấu súp với các thực phẩm khác như: cua, thịt gà, hải sâm và các vị thuốc có tính chất bồi bổ khác tại các nhà hàng sang trọng.
Thực tế hiện nay cho thấy ở hầu hết các địa phương có biển như Sầm Sơn, Thanh Hóa, biển Cửa Lò, Nghệ An, chợ Hàn Tp. Đà Nẵng…đều bày bán công khai vi cá mập khô không rõ xuất xứ nguồn gốc. Một số người sành về vi cá mập đều cho rằng đây là sản phẩm vi cá mập được nhập lậu từ Trung Quốc và một số vùng lãnh thổ có biển khác. Đặc biệt, trong đó có không ít là vi cá mập dởm được lấy từ các loài cá khác cùng họ nên giá thành của của những sản phẩm nhập lậu này chỉ bằng một phần ba hoặc một nửa sản phẩm vi cá mập đánh bắt trong nước.
Theo Chương trình Biển toàn cầu của Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF) thì đến nay các nhà khoa học đã chứng minh khoảng 90% các loài cá săn mồi lớn, như cá mập đã biến mất, bị loại bỏ khỏi các đại dương bởi tàu đánh cá công nghiệp quy mô lớn. Các hoạt động đánh bắt hủy diệt và hoang phí (như lấy vây cá mập bằng cách cắt vi và vứt bỏ phần xác còn lại của con cá ra biển) đang đẩy một số loài cá mập đến bên bờ tuyệt chủng.