TIN THỦY SẢN

Bấp bênh nghề đi biển miền Trung. Bài 2: Áp dụng mô hình công ty vào tàu cá

Chuẩn bị lưới trước khi ra khơi. Ảnh: NGUYÊN KHÔI Nguyên Khôi

Trước những khó khăn của lao động nghề đi biển, chính quyền và sở ngành các tỉnh miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có hỗ trợ về vốn đóng mới phương tiện, lắp thiết bị hiện đại cho tàu, tặng ngư lưới cụ… để khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, cản ngại lớn nhất cho sự phát triển nghề đi biển hiện nay không phải là vấn đề phương tiện mà là yếu tố con người.

Hỗ trợ ngư dân

Nhiều năm qua, nhận thấy tầm quan trọng cũng như dự báo về những khó khăn của nghề đi biển, từ Chính phủ cho đến các địa phương và toàn xã hội đã có những chính sách, những động thái tiếp sức, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Tại các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tiếp cho ra đời các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội đánh bắt… bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ, chia sẻ ngư trường đánh bắt cũng như giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trên biển.

Riêng ở Đà Nẵng, UBND TP đã có những chính sách hỗ trợ cho ngư dân như: lắp tặng máy Icom, máy định vị cho tàu đánh bắt xa bờ; đào tạo miễn phí gần 1.700 thuyền trưởng, máy trưởng; cấp 3.000 bảo hiểm tai nạn thuyền viên/năm cho ngư dân tham gia lao động trên tàu cá xa bờ của Đà Nẵng… Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng còn có chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới tàu đánh bắt xa bờ với mức hỗ trợ: tàu từ 400 - 600CV được hỗ trợ 400 triệu đồng, 600 - 800CV được hỗ trợ 500 triệu đồng và tàu 800CV trở lên được hỗ trợ 800 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều năm qua Đà Nẵng liên tục xuất hiện những tàu cá trên 1.000CV với trị giá 4 - 5 tỷ đồng được hạ thủy vươn khơi bám biển.

Tàu = công ty, bạn = nhân viên có khả thi?

Nhiều người đặt câu hỏi: Tàu cá hoạt động theo mô hình công ty, tại sao không? Bởi lẽ, một tàu cá hiện nay có giá trị hàng tỷ đồng nhưng từ hoạt động đến sử dụng lao động đều rất… tự nhiên chủ nghĩa. Nếu như áp dụng mô hình công ty vào tàu cá thì có thể 1 hoặc nhóm tàu trở thành một công ty, có tư cách pháp nhân, sử dụng lao động có hợp đồng; người lao động là nhân viên, được bảo hiểm xã hội… Khi nêu ra mô hình này, thuyền trưởng Ngụy Văn, chủ tàu QNg-98902TS, rất hồ hởi: “Lâu nay, dù đã được sự quan tâm nhiều của nhà nước nhưng người lao động trên biển vẫn chưa được công nhận như một nghề đúng nghĩa. Nếu được công nhận là một nghề thật sự làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, được đóng bảo hiểm xã hội… thì tôi nghĩ vừa giữ người lao động với nghề đi biển vừa đỡ khổ cho chủ tàu khi tìm kiếm lao động”.

Trong khi đó, thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá ĐNa-90444 Lê Văn Sang cho rằng khó có thể thực hiện được mô hình này. Bởi lẽ, khi coi tàu cá như công ty thì thuận lợi trong ký kết hợp đồng với lao động, dễ dàng cho việc vay vốn đầu tư… nhưng lại “vướng” nhiều thứ khác. Đơn cử, các tàu đánh bắt và cả tàu hậu cần nghề cá làm ra và trao đổi sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ nên không thể kê khai thuế. Bên cạnh đó, người làm nghề đi biển không được học hành đến nơi đến chốn nên rất… xa lạ với sổ sách, hóa đơn, chứng từ.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng Nguyễn Đỗ Tám cho biết mô hình tàu cá hoạt động như một công ty trước đây cũng đã có chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Một tàu cá trị giá nhiều tỷ đồng nhưng hoạt động rất bấp bênh, sử dụng lao động chỉ qua cam kết bằng miệng rất không ổn định. Việc tìm kiếm những giải pháp cho sự phát triển của ngành đánh bắt hải sản, trong đó có việc sử dụng và phát triển lao động nghề đi biển bền vững là trăn trở lâu nay không chỉ riêng TP Đà Nẵng mà là của cả nước. Để đảm bảo lao động nghề đi biển bám biển thì trước hết phải hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, nâng cao độ an toàn của tàu thuyền để giảm rủi ro và áp lực cho người lao động; đảm bảo thu nhập cho người lao động nghề đi biển bằng hoặc cao hơn người lao động trên đất liền. Hơn nữa, phải hiện đại hóa phương thức hoạt động, quản lý để người lao động được hưởng các quyền lợi như lao động khác trên đất liền như: đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được vay vốn hỗ trợ sản xuất…

Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên đến nay vẫn còn ở “thì tương lai”. Vì vậy, mặc dù có những chính sách hỗ trợ ngư dân, nhưng nghề đi biển ở miền Trung hiện vẫn rất bấp bênh, thiếu tính bền vững.

Theo thuyền trưởng Lê Văn Sang, để đóng một con tàu đi biển phải tốn chi phí khoảng 4 - 5 tỷ đồng, nhưng muốn vay vốn thì buộc phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng. Khi đã đóng xong tàu, muốn thế chấp tàu để vay tiền thì không ngân hàng nào chịu cho vay hoặc cho vay với mức rất thấp, khoảng dưới 150 triệu đồng. Lý do các ngân hàng không chịu cho vay thế chấp tàu là bởi con tàu dù có giá trị nhiều tỷ đồng nhưng lại rủi ro cao, đi biển không biết sóng gió thế nào.

Nguyên Khôi Báo Sài Gòn Giải Phóng, 28/02/2014