TIN THỦY SẢN

Bên những vuông tôm lộng gió

Anh Sáu Trang đang thuê xe múc vào cải tạo ao sau khi thu hoạch tôm xong. Đoàn Phú

Sáng tháng Giêng, đầm Ông Trúc (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) lộng gió. Trong căn chòi canh tôm, anh Sáu Trang trải lòng, cái nghề này như canh bạc, được - mất thật khó nói trước. Chỉ khi nào con tôm thả xuống ao to bằng đồng vốn đầu tư thì người nuôi tôm như anh mới thở phào nhẹ nhõm. “3 vụ tôm chỉ cần 1 vụ trúng thì người nuôi vẫn còn chút đỉnh vốn để xoay xở và làm lại từ đầu”- anh Sáu Trang quả quyết.

Với trên 1 ngàn hécta diện tích ao tôm tại đầm Ông Trúc, vụ tôm vừa qua khoảng 70% diện tích ao nuôi trúng mùa. Nông dân nuôi tôm thoát được cảnh nợ nần và hiện đang tập trung vốn cải tạo ao để tập trung vụ thả tôm giống tháng 2, tháng 3. “Người ta ví nuôi tôm như đánh bạc cũng đúng. Càng thua càng cố gỡ, gỡ cho đến khi nào không còn vốn liếng thì mới bỏ xứ, bỏ ao” - nông dân Ba Được đượm buồn nhìn mặt nước đầm Ông Trúc lăn tăn sóng và nói.

* Kiên trì bám đầm

Với trên 25 năm bám đầm Ông Trúc nuôi tôm đất (tôm thiên nhiên), tôm sú, tôm thẻ…, ông Ba Được vẫn chưa dám vỗ ngực khẳng định với bạn bè nhờ nuôi tôm giờ đây ông khá giàu rồi. Ông Ba Được bộc bạch, đầm Ông Trúc đã nuốt chửng rất nhiều đại gia khi họ đổ tiền tỷ vào đây đầu tư nuôi tôm quy mô lớn. Tuy vậy, chính khu đầm này cũng từng bước dẫn lối cho những thanh niên tuổi 20 như ông từng bước ổn định cuộc sống qua những năm tháng nuôi tôm.

Ông Ba Được đến với nghề nuôi tôm khi khu đầm Ông Trúc còn là khu đầm hoang hóa. Những ngày đầu về đây lập nghiệp, ông khoanh những cái vuông nhỏ gần lạch thành ao để dụ tôm tự nhiên. “Thời đó, nuôi tôm tự nhiên không cần phải cho ăn. Cứ lựa con nước vào mùa sinh sản của tôm đất thì lấy nước vào rồi đắp lại và làm lú cho tôm vào chứ không ra được. Sau chục con nước thì xả đập, thu hoạch tôm. Thu được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, không bao giờ có chuyện lỗ vốn” - ông Ba Được nói.


Anh Sáu Trang (trái) đang trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm với đồng nghiệp Hai Tuấn.

Con tôm tự nhiên ngày càng ít dần vì bị ngư dân lùng bắt vô tội vạ. Tôm cũng bắt đầu còm cõi vì thiếu ăn, chăm sóc và bán chẳng được bao nhiêu tiền vì không xuất khẩu được. Chính vì vậy, ông Ba Được cũng tập tành bắt chước dân TP.Hồ Chí Minh và nông dân khác nuôi tôm quảng canh, rồi chuyên canh. Tuy nhiên, con tôm đất lẫn con tôm sú chỉ mau lớn trong ao vài ba năm thì trở chứng, thường xuyên tỏ ra ẻo lả, què quặt, chết yểu. “Hơn chục năm qua, cái nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ của tui cứ được rồi mất và nó cứ lặp đi lặp lại nhưng tui vẫn không nản chí, quyết bám nghề cho đến tận hôm nay” - ông Ba Được chỉ tay về những cánh rừng đước, bạch đàn bao bọc những vuông tôm của ông và thổ lộ.

Từ thanh niên chân lấm tay bùn, anh Sáu Trang bắt đầu tập tành theo các nông dân vùng nước lợ Nhơn Trạch nuôi tôm sú khi phong trào nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh. Dẫn chúng tôi đi thăm những vuông tôm rộng 2 hécta đang thời kỳ cải tạo lại ao nuôi để thả lứa tôm mới, anh Sáu Trang cho hay vụ tôm vừa rồi anh trúng, lãi trên 600 triệu đồng từ 2 hécta ao nuôi. Đó cũng là vụ tôm giúp anh thu hồi được vốn, trả được nợ kéo dài sau hơn 3 vụ tôm liên tiếp thất bại hoặc hòa vốn vì dịch bệnh. “Nuôi tôm mà thiếu tính nhẫn nại, kiên trì và sợ nợ thì sớm muộn gì cũng bỏ của chạy lấy người” - anh Sáu  Trang nói.

* Vui buồn nơi vuông tôm

Rồi anh Sáu Trang kéo chúng tôi ra xa tiếng máy đào đất để kể tiếp cho chúng tôi nghe những chuyện vui buồn của người nuôi tôm. “Có nhiều đại gia phải bỏ đầm, cuốn gói về lại TP.Hồ Chí Minh vì phong trào nuôi tôm ở đầm Ông Trúc đó. Do họ đầu tư ao với quy mô lớn, nuôi theo kiểu công nghiệp nên chỉ dăm vụ nuôi lỗ liên tiếp thì bỏ hoang ao nuôi, người làm công thì bỏ nghề đi làm việc khác. Những khu trại tôm của họ rất kín cổng cao tường, nội bất xuất ngoại bất nhập, nhưng dịch bệnh vẫn lén lút vào được các vuông tôm để quậy tưng” - anh Sáu Trang cho biết.

Thấy chúng tôi cùng anh Sáu Trang lang thang ngoài các vuông tôm, nông dân Tư Oánh liền hú vào chòi tôm của ông uống trà. Bên ly trà nóng, ông Tư Oánh thổ lộ, có những chủ nuôi tôm nhốt người làm công quanh năm suốt tháng trong khuôn viên nuôi vì sợ ra ngoài lây bệnh cho tôm. Dù họ nuôi tôm với diện tích bạt ngàn, nhưng một con tôm nhỏ cũng không dám bắt cho người làm công ăn. “Tui cũng tức lây cho người làm công nghèo khó vì tính keo kiệt của các ông chủ mang mác đại gia, coi thường người làm thuê. Chứ nông dân nuôi tôm như tụi tui, người giữ vuông ngán tôm tép như ngán ăn hoài cháo trắng và được trả công, thưởng sòng phẳng” - ông Tư Oánh không cần ý tứ thổ lộ.

Cũng theo ông Tư Oánh, nhờ nghề nuôi tôm ở đầm Ông Trúc phát triển mạnh những năm qua mà nhiều dịch vụ ăn theo, như: nghề đào đất, căng bạt, dọn ao… Riêng chuyện các ông chủ tôm trúng vụ dắt bồ nhí vào chòi tâm sự bị các bà vợ phát hiện làm rùm beng cả xóm nuôi tôm cũng không hiếm. Tuy nhiên, điều ông thấp thỏm âu lo trong việc nuôi tôm là láng giềng xấu tính xả nước khi vuông nuôi nhiễm bệnh mà không báo trước cho những vuông tôm phía hạ nguồn khi họ lấy nước vào vuông nuôi của mình. “Có lắm trò chơi xấu khi các chủ vuông tôm mích lòng nhau, như: xả nước ao khi ao có dịch bệnh, lén bỏ thuốc diệt cỏ vào ao người khác, đem tôm bệnh vào ao của bạn để rửa… Đều là những trò ma quỷ của kẻ xấu tính không lý nào chấp nhận được” - ông Tư Oánh bức xúc nói.


70% diện tích vuông nuôi ở đầm Ông Trúc được mùa khi thả nuôi từ tháng 10 và 11 âm lịch năm Quý Tỵ.

Gió ngoài đầm Ông Trúc càng về trưa càng yếu dần, anh Năm Trang tiếp tục dẫn chúng tôi đến thăm thêm vài người bạn cùng chí hướng nuôi tôm như anh. Sau khi cùng nhóm bạn thu hoạch xong vuông tôm rộng 5 sào đất, được trên 2 tấn tôm, ông Bảy Nhí mới tò mò bò lên bờ đất tiếp chuyện. Ông Bảy Nhí hí hửng khoe, chỉ một vuông tôm đó, ông đã bỏ túi gọn 200 triệu đồng. Như vậy, 2 vuông tôm còn lại ông cũng kiếm thêm được trên 400 triệu đồng nữa. “Vụ thu hoạch tôm này tui không còn lánh mặt chủ nợ nữa mà còn có dư gửi tiền ngân hàng. May mà tui làm liều đi vay nóng, vay nguội khắp nơi để có tiền thả tiếp vụ tôm thứ 3 sau khi 2 vụ tôm chính vào tháng 4 và tháng 8 năm rồi thất bại. Nếu không nhờ nó, chắc giờ tui bỏ xứ ra đi mất tăm tích rồi” - ông Bảy Nhí tâm sự.

Ông Dương Văn Pháp, Chủ tịch UBND xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), cho biết trong tổng số trên 1.270 hécta diện tích mặt nước nuôi tôm của xã, hiện có 300 hécta diện tích nuôi theo quy mô công nghiệp. “Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng dự án 1 ngàn hécta nuôi tôm công nghiệp tại ấp Bà Trường và đang kêu gọi các nhà đầu tư. Nghề nuôi tôm hiện đang mở ra hướng làm ăn mới và hứa hẹn khá giàu đối với những nông dân có vốn và kinh nghiệm nuôi tôm” - ông Pháp nói.

Đoàn Phú Báo Đồng Nai, 21/02/2014