TIN THỦY SẢN

Bến Tre: Giải pháp hạn chế vẹm sông đeo bám trên ốc gạo ở Chợ Lách

Ốc gạo. Ảnh minh họa Cao Đẳng

Trước nguy cơ ốc gạo ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách có nguy cơ biến mất do loài vẹm sông đeo bám, cuối năm 2010, UBND tỉnh Bến Tre cho phép Sở KH&CN tỉnh đặt hàng Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu các biện pháp hạn chế sự phát triển của vẹm Linoperna fortunei đeo bám trên ốc gạo ở khu bảo tồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Đề tài do Phó giáo sư –Tiến sỹ Vũ Ngọc Út chủ nhiệm. Đây là cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn loài ốc gạo ở Chợ Lách.

Ốc gạo cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách là loài thuỷ đặc sản đã có từ vài chục năm nay. Khác với các loài ốc gạo ở các tỉnh Tiền Giang, An Giang và Đồng Tháp, ốc gạo cồn Phú Đa có thịt thơm ngon và trở thành đặc sản, là thương hiệu của Chợ Lách. Từ năm 2008 trở về trước, mỗi năm Hợp tác xã thủy sản Vĩnh Tiến thu sản lượng bình quân khoảng 15 tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, ốc gạo đã bị loài vẹm sông đeo bám với mật số ngày càng nhiều, làm cho ốc gạo có hình thù xấu xí, yếu đi và chết rất nhiều.

Để tìm ra nguyên nhân và biện pháp hạn chế sự đeo bám của vẹm sông đối với ốc gạo, các nhà khoa học Bộ môn thuỷ sinh học ứng dụng, Khoa thuỷ sản, trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu nội dung về đặc điểm sinh học, sinh thái, đặc tính phân bố, sinh sản và phát triển của vẹm sông. Nghiên cứu các yếu tố, điều kiện môi trường liên quan đến sự sinh trưởng và phát triển của vẹm; xác định mối tương quan giữa sự xuất hiện của vẹm với các yếu tố môi trường, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bổ của ốc gạo và vẹm.

Qua tiếp cận phương pháp nghiên cứu, phân tích, đặc biệt là nghiên cứu tính sống bám của vẹm sông, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp hạn chế sự đeo bám của vẹm như kết hợp các biện pháp sinh học, cơ học giảm thiểu sự đeo bám của vẹm trên ốc gạo; áp dụng giải pháp dùng giá thể chà cây, dây nilon, dây nhựa cứng, vỏ xe có chất dẫn dụ, bố trí vào các thời điểm có mật độ ấu trùng vẹm cao.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp duy trì điều kiện môi trường nền đáy phù hợp cho sự phát triển của ốc gạo. Hội đồng KH&CN đã nhất trí đánh giá cao tính khoa học, sáng tạo của nhóm nghiên cứu. Đây là cơ sở bước đầu xác định, tìm nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp hạn chế sự đeo bám của vẹm trên ốc gạo.

Tuy nhiên, các thành viên hội đồng KH&CN cho rằng, nhóm nghiên cứu cần nêu cụ thể giải pháp treo giá thể dẫn dụ vẹm. Có quy trình kỹ thuật hướng dẫn xã viên Hợp tác xã thủy sản Vĩnh Tiến thực hiện. Đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần có thêm những nghiên cứu mới, đặc biệt về quản lý môi trường. Có như thế, ốc gạo mới có khả năng tái tạo và phát triển trong thời gian tới.

Cao Đẳng DTHBT